[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 7 Chương 83: Tình công lý - Truyện tranh online - vagabondmanga.com

Top Ad unit 728 × 90

[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 7 Chương 83: Tình công lý

Nhật lệnh của Tadatoshi mới công bố được ít lâu, tư thất Kojiro không mấy ngày là không có khách. Khách từ khắp nơi đến: Osaka, Kyoto, thôn Iwakumi sinh quán hắn. Lại có những kiếm sĩ ở miền xa xôi tận vùng địa đầu hẻo lánh hải đảo Shikoku cũng không bỏ lỡ dịp, đáp tàu ngày đêm đến để kịp có mặt chứng kiến cuộc đấu.

Võ lâm xôn xao, dư luận xúc động. Trà đình tửu quán, chẳng chỗ nào là không có những lời bình phẩm bàn tán về tư cách và võ công của hai đối thủ:

- Phải thế chứ ! Phải có cuộc giao đấu để phân định tài năng chứ ! Sasaki thì vùng này ai cũng biết, nhưng Musashi, cái tên đó nghe hơi lạ !

- Musashi là Ronin có thực tài. Cứ xem hắn dám đối đầu với cả phái Yoshioka ở đồi Sinh Minh trước đây thì rõ. Hắn ra chiêu xuất quỷ nhập thần, những năm sau này nghe nói hắn sử dụng song kiếm, lại còn khai triển nhiều thế tuyệt kỹ.

- Nhưng hình như Musashi chẳng phải con người đạo đức. Hắn ra tay tàn ác lắm thì phải ...

- Ồ, cần gì ! Trong cuộc tranh hùng, biết thế nào là tàn ác ! Miễn thắng. Đây là cơ hội tốt để chúng ta dự kiến một cuộc đấu không tiền khoáng hậu.

- Trận này chắc ghê gớm lắm, chẳng biết kết quả sẽ ra sao, ai thắng ai bại ? Mà không rõ Musashi đã đến Kokura chưa ?

- Chắc gì hắn dám đến dự ? Nếu thấy yếu thế, có thể hắn chuồn mất rồi cũng nên. Trước kia ở đồi Sinh Minh bị vây khốn, hắn cũng làm vậy !

Đại để những lời bàn tán cứ thế truyền đi, mỗi người một ý chia thành hai phe rõ rệt. Đệ tử Yoshioka còn sống nghĩ đến thù cũ, không bỏ lỡ cơ hội bịa đặt thêm nhiều tin tức khác nữa không ngoài chủ ý hạ uy thế và gièm pha Musashi trước công chúng.

Đã mấy ngày nay, Kojiro bận rộn tiếp khách không mấy lúc được nhàn rỗi. Đầy tớ trong nhà không đủ sai bảo, Kakubei phải tiếp tay cắt thêm người đến phục dịch.

Chiều , nhân được đôi chút thời giờ rảnh, Kojiro ra vườn sau chăm sóc con chim ưng hắn ưa thích. Bỗng nghe báo có khách phương xa tới viếng, Kojiro cau mày bảo gia nhân:

- Ai thế ?

- Thưa một bà lão nói từ thôn Iwakumi tỉnh Suo tới.

Kojiro cắn môi:

- Tên gì ?

- Bà không xưng tên, chỉ nói cùng quê với đại nhân. Đại nhân gặp chắc sẽ nhận ra.

Kojiro lắc đầu:

- Ta bận, không muốn tiếp ai hết. Bảo bà ấy về đi !

Gia nhân vừa lui gót, hắn bỗng đổi ý:

- Phải bà lão người thấp bé, trạc độ sáu mươi, sáu lăm không ?

- Dạ phải.

- Có lẽ di mẫu ta ở dưới quê lên. Thôi được, dẫn bà vào, bảo ngồi đợi ta ở phòng riêng rồi gọi Tatsunosuke đến đây !

Tatsunosuke là đệ tử thủ túc của Kojiro.

Linh cảm một điều chẳng lành, hắn thấy trong lòng bứt rứt.

Tatsunosuke tới, Kojiro cố giữ bình tĩnh, hỏi:

- Sáng mốt ở Funashima phải không ?

- Dạ phải.

- Ngươi chuẩn bị đầy đủ cho ta: quai dép đừng để khô quá, bao tay ta vẫn dùng quen và áo giáp mặc trong ...

- Dạ.

- Ngày mai ta phải lên cáo biệt thiếu gia, xong muốn được một đêm yên tĩnh nghỉ ngơi.

- Dạ, đệ tử sẽ thông báo cho gia nhân tạ khách. Họ tới đông quá, nhiều khi cũng phiền.

Kojiro gật đầu:

- Vì thế ta chẳng muốn tiếp ai. Đôi khi tự hỏi nếu ta vẫn chỉ là một kiếm sĩ không danh vị gì thì không biết họ có đến đông như thế không ? Thắng bại là do khả năng mình định đoạt, chẳng phải nhờ những lời cầu chúc của kẻ xung quanh mà được, huống chi ta biết đôi khi những lời ấy chưa chắc đã thành thật.

Ngưng một lát, Kojiro lại tiếp:

- Vạn nhất nếu thất bại, ta có hai bản di chúc thảo sẵn để trong thư phòng. Ngươi hãy mang một bản trao cho Kakubei và một bản cho Amayumi.

Tatsunosuke cúi đầu:

- Đệ tử trộm nghĩ ...

- Không, không ! Những chuyện ấy tự nhiên ta phải tiên liệu. Cuộc chiến nào cũng có những việc bất ngờ. Ta chọn ngươi hôm đó cùng đi với ta. Nhớ mang theo cả con chim ưng này. Trên thuyền, nó sẽ là niềm khích lệ và hộ mệnh cho ta.

- Đa tạ tôn sư.

Kojiro hài lòng, khẽ gật:

- Bây giờ ngươi lui được rồi.

Chờ đệ tử đi khuất, Kojiro mới thong thả bước vào phòng riêng.
Trời về chiều. Mây đen từng đám dầy cuồn cuộn đùn lên nền trời vàng úa, báo hiệu một đêm không yên tĩnh.

Trong phòng, tì nữ đã thắp đèn. Dì hắn ngồi nghiêm túc sau chiếc bàn thấp, nét mặt nhẫn nại, bên cạnh la liệt nào gói nào bọc mang từ dưới quê lên. Bà là người thân thích độc nhất còn lại trong gia tộc sau khi mẹ hắn qua đời, tuy không liên lạc thường xuyên nhưng vẫn lưu tâm theo dõi những hoạt động của hắn ở chốn Giang hồ.

Kojiro cúi đầu chào, lễ phép ngồi xuống chiếc bồ đoàn trước mặt. Sau vài lời thăm hỏi thường lệ, bà trịnh trọng nói:

- Kojiro ! Ta nghe tin ngươi sắp dự một cuộc tranh tài quyết định phải không ?

- Dạ phải.

- Ở làng, ai cũng bàn tán về chuyện ấy, nên ta nóng ruột hôm nay đến thăm. Lâu lắm ngươi chẳng về làng mà ta mỗi ngày tuổi một cao chẳng biết sống chết thế nào, muốn được trông thấy ngươi một lần trước khi nằm xuống.

Yên lặng, bà ngắm Kojiro. Người kiếm sĩ thành danh trong bộ y phục xa xỉ bằng vóc tía thật khác xa với đứa cháu thiếu niên hơn mười năm trước, khi từ biệt bà ra đi, mặc bộ áo vải thô, trên lưng chỉ đeo có cây trường kiếm. Bà gật đầu thỏa mãn:

- Ta rất vui lòng thấy ngươi đã thành đạt !

- Đa tạ di mẫu. Xin di mẫu tha lỗi cho cháu đã không viết thư về thăm hỏi trong suốt thời gian ấy. Cháu tự xét chức vụ còn thấp kém nên không dám làm bận tâm gia đình.

Bà cười rộng lượng:

- Không hề gì. Ta vẫn theo dõi và biết tin ngươi qua những khách thương lui tới tỉnh Suo cất hàng. Lại nghe nói có nhiều kiếm sĩ trong vùng cũng đáp tàu đi Kokura chờ kết quả cuộc đấu. Chỉ tiếc vì có lệnh cấm đến gần đảo Funashima nên chưa biết tìm cách gì mà coi cho rõ.

- Nếu di mẫu muốn, cháu sẽ xin với thiếu gia mời di mẫu lên khán đài.

- Ấy là nói các kiếm sĩ kia chứ ta biết võ công gì đâu mà coi. Kojiro ! Ta từ quê lên đây thăm ngươi, nhưng chủ ý cốt dặn ngươi phải thủ thắng, nếu không cả họ sẽ bị nhục lây đó !

Nhưng vừa dứt lời, nhìn nét mặt Kojiro, bà bỗng thấy hối hận. Lời dặn của bà quả là thừa. Trong ánh mắt kiêu căng của hắn, thoáng hiện vẻ bực dọc, bất mãn khiến bà bối rối. Kojiro không còn là đứa cháu nhỏ cần đến sự khuyên bảo hướng dẫn của bà hay của bất cứ ai khác nữa.

Bà cúi xuống, giơ tay với cái bọc vải kéo đến gần, mở ra cầm tấm áo lót gấp rất cẩn thận đưa Kojiro:

- Ta có vật này cho ngươi. Ta đã lên chùa cầu xin các thầy ban phúc, mặc vào sẽ tránh được tai họa. Ngươi hãy mặc nó trước khi lâm trận.

Kojiro trịnh trọng đưa hai tay đỡ chiếc áo, giở ra ướm thử lên ngực. Trên mặt áo, tên chư Phật, tên các thần linh và bùa chú được vẽ ngoằn ngoèo chi chít.
Kojiro cúi đầu cảm tạ, gấp áo lại rồi nói:

- Di mẫu đi đường chắc mệt, xin mời di mẫu đi nghỉ.

Đoạn gọi con hầu dẫn bà sang phòng riêng.

Ngồi một mình, nghĩ đến những lời dì hắn vừa dặn, Kojiro cảm thấy trách nhiệm đè nặng trĩu trên vai. Gia đình, bằng hữu, chủ soái, đồ đệ, mọi người ai cũng giục hắn phải thắng. Đến chính hắn, hắn cũng thấy thế. “Phải thắng ! Phải thắng !

Phải thắng !”. Lời giục giã như những đợt sóng bị gió đánh vào bờ liên tiếp, đập vào tâm giới hắn khiến hắn có cảm tưởng bị bao vây và con đường duy nhất thoát ra để lấy lại quân bình là chiến thắng.

Kojiro đứng dậy bước ra hiên. Một tiếng “quác” của loài ác điểu săn mồi ban đêm khiến hắn liên tưởng đến luật của kẻ mạnh. Bất giác đôi mắt sắc của con chim ưng hiện ra trong trí. Hăn không ngờ hình ảnh ấy dai dẳng đến thế !
Musashi đên Shimonoseki đã ba ngày. Ở Kokura chẳng có ai quen thuộc, hắn dự định tìm một lữ điếm nào vắng vẻ tạm trú. Nhưng khi đáp tàu ở Sakai, viên chủ tàu chẳng hiểu được ai giới thiệu, đã nhận ngay ra hắn, mời vào phòng riêng đối ẩm.

Chủ, khách tâm đầu ý hợp, chỉ trong hai ngày hải hành đã trở thành đôi bạn vong niên tương đắc.

Ông tên Nuinosuke, tuổi ngoại lục tuần, là một tay cự phú trong nghề vận tải hàng hải, có nhiều chi nhánh đặt tại các thương khẩu lớn miền đông như Nagoya và Osaka. Ở Shimonoseki, một trấn tiếp giáp với Kokura, ông cũng có căn nhà kiến trúc khá quy mô dựng ngay bên bìa rừng ven biển, về mùa hè thường dùng làm nơi nghỉ mát cho cả gia đình.

Chỗ ấy tĩnh mịch lại thuận đường biển đi Kokura và các đảo nhỏ lân cận, thật lý tưởng cho những ai muốn tránh cảnh ồn ào nơi thị tứ. Cho nên khi Vãn Đạt ngỏ ý mời đến tá túc, Musashi nhận lời ngay.

Hôm sau, Musashi đến vấn an Sado để cảm ơn về việc ông đứng ra trung gian sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa hắn và Kojiro, đồng thời xác nhận sự có mặt của hắn vào ngày sắp tới tại Funashima.

Một kiếm sĩ hầu cận trong Phủ Hosokawa ra nghênh tiếp. Nhìn khách mặc bộ y phục vải gai cũ, gã có ý khinh thường, nghĩ thầm: “Thì ra đây là danh kiếm Miyamoto Musashi ở Miyamoto đấy !”. Tuy nhiên gã vẫn lễ phép mời vào và nói:

- Sado đại nhân hãy còn trong dinh, chắc ngài cũng sắp về. Xin đại hiệp chờ một lát.

- Bất tất ! Cũng chẳng có chuyện gì quan trọng, hãy chuyển lên đại nhân lời ta cảm ơn là đủ.

Gã hầu cận bước vào. Musashi vừa định quay gót thì một thiếu niên chạy ra ôm chầm lấy hắn. Musashi cũng ôm lấy thiếu niên, vỗ vào lưng gã, cảm động nói:

- Sannosuke ! Sannosuke !

Sannosuke khóc nức nở:

- Con đợi tin thầy đã lâu. Thầy có biết con ở đây không ?

Musashi gật:

- Ta mới biết đây. Con được thương gia Nuinosuke nhờ người giới thiệu vào phủ phải không ?

- Dạ phải. Trên đường đi Osaka con bị lạc Gonnosuke đại hiệp, được Nuinosuke đại nhân nuôi làm gia nhân, cho giữ sổ sách. Được ít lâu, vì thấy con không thích việc văn phòng, ông lại nhờ người giới thiệu vào phủ Sado đại nhân cho học kiếm.

Musashi gật đầu:

- Thế là may lắm. Nuinosuke tiên sinh là người tốt, con phải biết ơn ông.

Sannosuke gật đầu nhưng mắt vẫn long lanh ngấn lệ, đăm đăm nhìn Musashi. Nó sờ tay thầy rồi bỗng nói:

- Thầy gầy hơn trước !

Musashi mỉm cười, kéo đồ đệ đến ngồi trên ghế đá:

- Con vẫn tập luyện đều như trước kia ta dạy con ở Musashino chứ ?

- Dạ, vẫn tập đều.

- Chớ quên đọc sách nữa. Đọc sách để trau dồi kiến thức và phải luôn luôn khiêm nhường học hỏi.

- Dạ.

- Sannosuke ! Con là đứa trẻ thông minh, tháo vát. Hãy suy nghĩ trước khi hành động, đừng để cho lòng hăng say của tuổi trẻ khiến con làm những điều càn rỡ. Con còn trẻ, đời còn dài. Ai cũng chỉ sống có một lần, hãy gìn giữ đời sống, dành cho nó một mục đích cao cả: cho danh dự, cho kiếm đạo, cho tổ quốc. Con nhớ lấy: chỉ chết khi nào cần thiết và hãy chết cho xứng đáng.

Sannosuke ràn rụa nước mắt. Nó thấy đau lòng như đang nghe thầy nói những lời trối trăn, những lời vĩnh biệt:

- Thầy sắp đi Funashima rồi phải không ?

- Ừ, ta phải đi.

- Vậy thầy hãy cố thắng. Cứ nghĩ thầy sẽ không trở về nữa, con không thể nào chịu nổi.

Musashi cười:

- Vì thế mà con khóc đấy hả ?

- Ở đây người ta bảo thầy không thắng được Sasaki đâu. Thầy nhận tham dự làm gì cuộc đấu ấy !

- Lời con nói, ta chẳng ngạc nhiên chút nào. Chỗ này là lãnh địa Hosokawa mà !

- Vậy thầy chắc thắng chứ ?

- Ta không biết. Nhưng thắng hay bại không phải là chuyện quan tâm nữa. Có thể ta đã nhầm lẫn, nhưng trong hoàn cảnh này, ta buộc lòng phải quyết định như thế. Bỏ trốn tức là từ bỏ con đường chính trực của người cầm kiếm, chẳng những làm nhục ta mà còn làm nhục lây đến nhiều người khác.

- Sao thầy bảo con phải gìn giữ lấy cuộc sống mà ...

- Phải, ta đã bảo con như thế. Ta sẽ đem hết sức ra để chiến thắng, nếu có chết cũng chết trong dũng cảm. Nhưng nếu ta chết, âu cũng là bài học cho con: hãy cố tránh những sự đối đầu phi lý, chẳng lợi gì cho ai và chẳng ích gì cho lý tưởng mình theo đuổi.

Sannosuke ôm chặt lấy Musashi, dụi đầu vào ngực thầy. Nó linh cảm đây là lần cuối cùng được sum họp với sư phụ nên nước mắt lại trào ra ướt áo.
Có lẽ thấy mình đã đi quá xa, Musashi đổi đề mục:

- Sannosuke, khi Sado đại nhân về, con hãy chuyển đến ngài lời chào tôn kính của ta. Nói với ngài ta sẽ có mặt ở đảo vào ngày hẹn.

Sannosuke tiễn sư phụ đến tận cổng ngoài, bịn rịn giữ chiếc nón nan và níu áo thầy chẳng muốn rời nửa bước. Musashi khẽ gỡ tay nó ra, bảo:

- Sannosuke ! Con hãy tỏ ra trưởng thành. Ta ở mãi đây với con được sao ?
Khỏi cổng một quãng, Musashi rẽ sang đường nhỏ ra bãi biển. Hắn muốn tìm một nơi thoáng đãng để lòng thư thái quên bớt nỗi phiền muộn của cuộc chia ly vừa rồi.

Biển rộng bao la, xanh biếc. Sóng dập dìu xô vào bờ, gần đến chỗ hắn đứng thì tan dần trên cát. Musashi cảm thấy thoải mái. Ngoài xa, vài con hải âu bay lượn. Về phía tay trái, đảo Funashima hiện rõ với rặng cây xanh và bãi cát trải dài, ánh mặt trời phản chiếu lóng lánh.

Ba chiếc tam bản chở nhiều vật liệu dài và nặng dường như tre hay gỗ, được neo ven bờ đảo. Trên bãi cát, người đứng lố nhố chỉ trỏ. Musashi đoán chừng họ đang tìm địa điểm dựng khán đài và bãi cát ấy chính là chỗ sẽ diễn ra cuộc tranh phong sắp tới. Hắn để ý quan sát hướng mặt trời mọc và những vệt nước do thủy triều để lại trên mặt cát, đoạn bỏ đi, nhắm hướng Shimonoseki thẳng tiến.

Được một quãng đường bỗng nghe tiếng gọi phía sau. Quay lại thấy bốn năm người tóc hoa râm, da sạm nắng, ăn mặc ra lối kiếm sĩ đang bàn tán chỉ trỏ về phía hắn.

- Takezo ! Phải tráng sĩ là Takezo không ?

Ngạc nhiên, Musashi không rõ những người này là ai, sao lại biết tục danh của mình, thì một người đã tới gần, nói:

- Ta trông tráng sĩ quen lắm. Phải chăng quý quán ở Miyamoto ?

- Tại hạ chính ở Miyamoto, tên Takezo, nhưng nay đã đổi thành Miyamoto Musashi. Còn các vị đây là thế nào, sao lại biết tại hạ ?

- Vậy đúng rồi ! Chúng ta đều ở vùng Mimasaka cả. Trước đây năm người chúng ta đều có tập luyện ở võ đường của ông Munisai. Bấy giờ tráng sĩ còn nhỏ chắc chẳng nhớ chúng ta đâu. Ta là Utsumi Magobeinojo, lão này là Koyama Handayu, còn kia là Kinami Kagashiro, Quan Căn và Hà Đức Bằng. Tuy học ông Munisai nhưng ông đãi ngộ chẳng khác gì bạn, không tỏ vẻ khách khí ...

Nghe giọng nói ề à của dân làng hắn, Musashi không lầm được. Xa quê gặp người đồng hương, hắn mừng rỡ cười cởi mở:

- Ồ, thì ra quý vị tiền bối là bằng hữu với gia nghiêm. Vãn sinh không biết thành ra thất lễ.

Nói đoạn cúi đầu thật thấp tỏ lòng tôn kính.

- Không ngờ gặp các vị Ở đây. Thế làm sao các vị lại có mặt cùng lúc ở một chỗ như thế này được ?

Utsumi giải thích:

- Câu chuyện khá dài. Chỉ biết sau trận Sekigahara, chúng ta tán lạc mỗi người một nơi. Về sau may mắn được Trời Phật phù hộ và nhất là nhờ họ Hosokawa giúp đỡ, chúng ta làm ăn phát đạt, tuy chẳng giàu có gì nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu, nên hàng năm có lệ họp nhau lại ở đây để gặp mặt ôn chuyện cũ và làm lễ cảm tạ Trời Phật cùng ân nhân.

Utsumi nói xong, cả bốn người kia đều gật đầu xác nhận.

Kinami lại nói:

- Không ngờ con ông Munisai bây giờ trưởng thành như thế này rồi đấy ! Đáng tiếc ông chẳng còn tại thế để được thấy tài con trai.

Handayu tiếp lời:

- Lần này tráng sĩ nói đã đổi tên thành Miyamoto Musashi. Phải chăng chính là người sẽ đối đầu với Sasaki Kojiro ngày tháng này tại Funashima?

- Chính thị.

Mọi người “ồ” lên một tiếng.

- Thế sao không vào gặp Sado đại nhân ? Handayu hỏi. Sado đại nhân là ân nhân của chúng ta, nghe nói rất có hảo cảm với tráng sĩ và trước đây đã cho người đi tìm tráng sĩ nhiều lần. Ta có bạn thân phục thì trong Phủ Hosokawa, hãy theo ta đến đó.

Dứt lời, Handayu vội vã quay gót, kéo bốn người kia đi theo và tưởng Musashi cũng làm như thế. Ông cho ông là bạn của Munisai thì đương nhiên Musashi sẽ theo ông. Nhưng hắn vẫn đứng yên chỗ cũ.

- Vãn sinh rất tiếc không đến được, xin lão tiền bối miễn chấp.

- Sao vậy ?

- Vãn sinh e có điều không tiện.

- Thế nào mà không tiện ?

- Lâu nay nghe tin đồn có sự bất đồng ý kiến giữa lãnh chúa Hosokawa với Sado đại nhân về vấn đề tuyển dụng những kẻ được đề bạt vào trong phủ. Sado đại nhân xem ra không vừa ý với việc bổ nhiệm Kojiro khiến lãnh chúa có ý nghi ngờ ông lập đảng riêng. Vì thế vãn sinh chẳng muốn để lụy đến ân nhân các vị.

- Tin đồn bậy. Làm gì có chuyện ấy !

Nhưng thấy Musashi xử sự cẩn trọng, Handayu cũng thôi, không ép.

Musashi cười xòa nói chữa cho không khí bớt nghiêm trọng:

- Ấy là vãn sinh đoán mò vậy. Thật ra ở chốn cô lậu, vãn sinh chẳng biết gì về những hoạt động tại phủ đình. Chẳng qua là muốn được về nghỉ một lát cho đỡ mệt nên kiếm cớ đấy thôi. Các vị đừng chấp.

Mọi người đều cười. Nhân sắp đến giờ làm lễ, Utsumi đề nghị mời Musashi theo họ đến dự lễ rồi sau đó ở lại ăn cơm tối. Musashi đáp:

- Điều này thì vãn sinh chẳng thể từ chối được. Vậy xin đi theo các vị.

Cả bọn sáu người qua nhiều đường phố và hàng quán, nhưng chẳng thấy ai mời hắn vào. Musashi lấy làm lạ, lưu tâm đề phòng. Xét tuổi tác, cách ăn nói và cử chỉ, chẳng có điều gì khả nghi. Quanh co mãi, đi hết cả vùng có người ở, ra ngoại ô vắng vẻ, đến một khu rừng thưa mới thấy dừng lại.

Musashi tưởng đâu trong rừng có đền miếu gì, để ý quan sát. Nhưng không!
Khu rừng vắng vẻ, nắng xế chiếu qua tàn cây, vẽ những hình loang lổ, lay động trên mặt cỏ. Tiếng chim gõ kiến vẳng lại từ xa đều đều càng làm tăng vẻ tịch mịch.

Dưới gốc cổ thụ xù xì, một người ra dáng lão bộc đã đứng đấy tự bao giờ, bên cạnh mấy bó rơm khô và hai bọc lớn. Thấy sau người tới, lão hơi ngạc nhiên nhưng chẳng nói năng gì, yên lặng mở bọc lấy ra năm chiếc chiếu nhỏ trải trên cỏ thành hàng sau một cái bàn thấp. Utsumi gọi người lão bộc lại, bảo lấy thêm tấm chiếu nữa trải dưới gốc cây, mời Musashi ngồi rồi nói:

- Xin thứ lỗi cho chúng ta đã dẫn tráng sĩ đến nơi hoang dã này. Đây chính là chỗ chúng ta hành lễ hàng năm. Buổi lễ này thật ra không bao giờ có mặt người lạ, nhưng nay ngẫu nhiên gặp tráng sĩ, một người cũng ở Mimasaka như chúng ta, lại là con đại hiệp Munisai ngày trước, nên chúng ta coi tráng sĩ như người nhà và mời đến dự kiến. Xin cứ tự nhiên, đừng câu nệ.

Musashi không rõ lý do gì buổi lễ lại không diễn ra ở một nơi thuận tiện hơn, nhưng vì là khách nên không tiện hỏi. Hắn cảm tạ rồi trịnh trọng ngồi xuống chiếu.

Lão bộc mang rơm đến chia cho năm người mỗi người một nắm. Họ nâng rơm lên ngang trán, lâm râm khấn nguyện, đoạn đặt trước mặt, ngón tay thoăn thoắt xe những cọng rơm, bện lại thành chiếc dép nhỏ dùng để lồng vào móng ngựa cho ngựa chạy được êm hơn như người ta vẫn thường thấy trong thời chiến.

Cả năm người lặng lẽ làm việc, môi mím lại, vẻ trang nghiêm và thành kính.
Nhìn dáng điệu hăng say và quyết tâm của họ, Musashi bỗng xúc động.
Chẳng biết ngày thường, những kiếm sĩ này làm nghề gì để độ nhật, nhưng cứ xem cung cách họ làm việc. Musashi thấy hãnh diện được là đồng hương của họ.

Khi mỗi người đã làm xong một bộ bốn chiếc dép, họ xếp tất cả lên bàn, rồi vị cao tuổi nhất đứng trước bàn trịnh trọng nói:

- Mười lăm năm trước, trận Sekigahara đã để lại trong lòng chúng ta những kỷ niệm đau thương không phai nhạt. Tuy gặp nhiều gian lao và cay đắng, chúng ta đã sống quá tuổi thọ chúng ta mong ước. Đó là nhờ ơn Trời Phật, ơn tộc Hosokawa đã cưu mang và ơn dòng họ Shinmen đã dạy dỗ. Những công ơn ấy chúng ta không bao giờ quên. Hôm nay chúng ta họp nhau tại đây để nhắc nhở những công ơn ấy và mong cho mọi người chúng ta được an lạc.

Lời lão vừa dứt, tất cả đều đồng thanh hô lớn:

- Ơn Trời Phật, ơn tộc Hosokawa, ơn họ Shinmen, ba công ơn ấy xin đời đời khắc cốt.

Đoạn khấu đầu làm lễ: một lễ tạ Ơn Trời Phật, một lễ hướng về phía lâu đài dinh Hosokawa và một lễ về quê hương Mimasaka xa tắp. Lễ xong, lão Utsumi bưng chiếc bàn đến những cây quanh vùng, theo sau là bốn bạn đồng cảnh, treo những chiếc dép móng ngựa đã làm lên cành cây, vỗ tay mà khấn vong hồn các tử sĩ về tiếp nhận.

Bữa ăn sau đó được bày ra, cũng chẳng lấy gì làm thịnh soạn: món cá khô, món măng nấu đậu và món khoai sọ hầm. Nhưng có rượu sa-kê. Mọi người ăn uống vui vẻ.

Riêng Musashi thấy ngon miệng và thoải mái vô cùng.

Trong không khí cởi mở ấy, hắn đã không ngần ngại hỏi:

- Vãn sinh rất hân hạnh được các vị tiền bối cho dự lễ hôm nay. Buổi lễ tuy nhỏ nhưng nặng ý nghĩa. Duy có điều chưa hiểu, tại sao các vị lại làm những chiếc dép rơm như vậy.

Handayu bèn giải thích:

- Có gì đâu. Số là sau khi thua trận, năm anh em ta ngẫu nhiên gặp nhau ở đồi này. Tất cả đều đói khát rách rưới, chẳng biết nương tựa vào đâu nữa. Nhưng xách gươm đi ăn cướp thì dù chết đói chúng ta cũng không làm. Nên họp nhau lại tìm kế. Bấy giờ tuy nói là chiến tranh đã kết liễu nhưng nhiều nơi vẫn còn loạn lắm. Quan quân phải tuần tiễu. Ngựa chạy nhiều thì mòn móng, vả quân tế tác cũng cần ngựa chạy cho êm nữa, nên chúng ta họp nhau lại đan dép ngựa mà bán. Chẳng làm nghề này bao giờ, lại không khéo tay, chỉ học lỏm của người ta nên vụng về lắm. Lúc đầu kiếm chẳng đủ ăn, sau dần dần cũng khá. Vì vậy cho nên nhớ đến nghề cũ đã cứu anh em khỏi cảnh khốn cùng mà năm nào chúng ta cũng làm vài đôi dép tượng trưng như thế để đừng quên thuở hàn vi.

Kể xong, Handayu bưng hũ rượu rót cho mọi người, đoạn tiếp:

- Mà tráng sĩ bận tâm làm gì đến những chuyện nhỏ mọn ấy ? Hai ngày nữa đây, tráng sĩ sẽ ra trận. Ta ước mong tráng sĩ chiến đấu dũng cảm. Nếu chẳng may có mệnh hệ nào, chúng ta sẽ mang di hài về Mimasaka mai táng tươm tất. Món ăn của chúng ta có thể không ngon, rượu của chúng ta có thể không lấy gì làm đặc biệt, nhưng lòng anh em chúng ta nhất định thành thật. Ta đoan với tráng sĩ như vậy.

Musashi vui vẻ giơ cao bát rượu:

- Vãn sinh may mắn được dự tiệc nhỏ này với các vị tiền bối. Bữa tiệc này còn ngon hơn cả những chỗ cao sang khác. Vãn sinh hy vọng được may mắn như các vị !

- Hà hà ! Vậy tráng sĩ phải học đan dép rơm trước đã.

Mọi người ha hả cười, vang cả khu rừng vắng.
[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 7 Chương 83: Tình công lý Reviewed by Super Ponja on 3/20/2012 Rating: 5
0 Chém

Chúng ta có thể không nói hết những gì mình nghĩ nhưng hãy nghĩ hết trước những gì mình nói!
Nhận xét sẽ bị xóa nếu có những từ ngữ thiếu văn hóa hoặc có ý xúc phạm quá đáng người khác.
Cảm ơn sự hợp tác của các bạn!

All Rights Reserved by Truyện tranh online - vagabondmanga.com © 2012 - 2016

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.