[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 7 Chương 79: Màu xanh hồ thủy - Truyện tranh online - vagabondmanga.com

Top Ad unit 728 × 90

[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 7 Chương 79: Màu xanh hồ thủy

Trải tấm lụa vừa nhuộm xong lên cỏ, Otsu giở nón ngồi nghỉ. Nước hồ xanh trong gợn sóng lăn tăn và tấm lụa nàng vừa nhuộm cũng một màu xanh mát, duy lòng nàng sao bồn chồn như lửa đốt.

Hai tháng trước, khi còn ở cốc Yagyu, nghe tin Musashi được vời vào Phủ Tokugawa, Otsu vui mừng hết sức. Thôi thế là từ nay hết lo sợ phập phồng và sự sum họp với người yêu không còn là một ảo tưởng. Thấp thỏm mừng thầm, nàng chỉ chờ dịp thuận tiện dời khỏi cốc. Nhân cốc chủ là Yagyu lão nhân mới quy tiên, tuần bách nhật vừa mãn, Otsu mượn cớ không tiện ở thêm, vào gặp Hyogo là cháu của Yagyu hiện giữ chức quản trị gia nhân, xin cáo biệt đi Edo. Hyogo lưu lại thế nào cũng không được, vả sau khi tổ phụ mất, không còn lý do gì để giữ nàng nữa, đành gọi gia nhân mang tặng vật ra tiễn.

Đến Edo, Otsu dò hỏi nhiều nơi mới biết Musashi không được tuyển vào phủ, đã bỏ vùng Musashino đi đâu không rõ. Cánh hồng ngàn dặm tung bay. Căn lều hoang vắng, di tích còn lại chỉ có một cái bếp, than tro vung vãi. Otsu lặng nhìn gian nhà cỏ xiêu vẹo trong cảnh đìu hiu, thương cho ai quạnh quẽ mà lại xót xa cho thân thế mình long đong. Vừa buồn, vừa sợ, nàng trở lại Edo, vào tạm trú tại một ngôi chùa. Nhân gặp người mộ đạo chỉ dẫn, Otsu mới đến xin việc ở xưởng nhuộm vùng ngoại ô này.

Xưởng nhuộm là một xưởng thuộc loại tiểu công nghệ. Gia đình gồm hai vợ chồng và một người con gái, chuyên phiếu lụa rồi nhuộm màu hồ thủy, một màu xanh đặc biệt rút từ lá chàm ra pha chế với vài thứ màu thực vật khác. Cách pha chế làm theo bí quyết riêng truyền từ mấy đời trong dòng họ, màu đã đẹp lại bền nên rất được ưa chuộng. Làm việc ở xưởng nhuộm tuy khó nhọc nhưng Otsu chẳng nề, còn cho là may mắn tự kiếm được việc mưu sinh không phải nhờ vả ai. Thấy gia đình người thợ nhuộm hiền lành, nàng xin tá túc luôn ở đó.

- Cô Otsu !

Nghe tiếng gọi, Otsu giật mình quay lại.

- À bác Mambei ! Đến giao hàng hả ?

Mambei là lái buôn cung cấp lá chàm cho xưởng. Tuy chẳng phải người địa phương nhưng vì qua lại vùng này luôn nên được tín nhiệm. Mambei cười bả lả:

- Không, kỳ này không mua được lá nhưng có tin cho cô.

Otsu ngạc nhiên:

- Tin cho tôi ? Tin gì thế ?

- Phải cô sinh quán ở Miyamoto vùng Mimasaka không ?

- Phải, sao bác biết ?

- Tháng trước qua đấy, có người nói đến cô và hỏi thăm.

- Ồ ! Ai vậy ?

- Một người tên Ogin. Bà ta lấy chồng ở Mikuzaki. Bà bảo có biết cô, lại có người em trai tên Takezo cũng biết cô rõ lắm.

Mặt Otsu đỏ bừng, e thẹn. Mambei cười hềnh hệch ra ý thông cảm, vén áo đến ngồi xổm cạnh Otsu.

- Vậy cô có quen biết gì với bà ta không ?

Otsu gật:

- Bác có nói cho chị Ogin biết tôi ở đây không ?

- Dĩ nhiên là có. Tôi nghĩ tình đồng hương cả, nói ra chẳng hại gì.

- Phải. Thế chồng Ogin là ai ?

- Hình như là một kiếm sĩ đã đứng tuổi. Bà ấy nói nhớ cô lắm, muốn gặp cô ôn lại chuyện xưa ...

Otsu lơ đãng nhìn ra xa, lúc sau kéo áo lau mắt đỏ hoe:

- Cám ơn bác.

- Ogin không đích thân tới được nên nhờ tôi dẫn cô đến chỗ bà ở. Nghe đâu có tin tức gì của em bà là Takezo ấy mà ...

Nghe nhắc đến tên Takezo, lòng Otsu bỗng rộn lên niềm vui sướng.

- Ồ thế à ?

- Cô có muốn cùng đi với tôi đến gặp bà Ogin không ?

Otsu ngần ngừ. Người lái buôn vội tiếp:

- Nếu bằng lòng thì cô phải cho biết trước kẻo lỡ.

- Thì cũng phải để tôi xin phép nghỉ mấy hôm đã chứ ! Hay thế này. Bác cứ về đi, sáng mai qua đây nếu thấy ngoài cổng có treo chiếc khăn thì gọi. Tôi sẵn sàng đi cùng với bác.

Mambei vui vẻ:

- Vậy cũng được. Dịp may cô chớ nên bỏ lỡ. Nếu lần này mà không được thì còn lâu tôi mới trở lại đấy !

Người lái buôn đi rồi, Otsu tần ngần nhìn theo rồi đứng dậy quay ra tiếp tục công việc bỏ dở. Nàng gấp tấm lụa đã se, nhúng vào thuốc nhuộm và lấy vồ ra đập. Nhưng những tiếng vồ của nàng không đều đặn như mọi khi, lúc nhanh lúc chậm, xem ra hỗn loạn chẳng khác nào tâm trạng rối bời của nàng lúc ấy.
“Đã lâu không gặp chị Ogin, chắc bây giờ chị ấy khác trước nhiều. Không biết gia đình ra sao ? Và Musashi ! Musashi ! Chàng nhớ thiếp không ? Chàng nhắn chị Ogin nói với thiếp điều gì thế ? Hay là chàng đã đổi ý ... Hay là ... Trời ơi!....”.

Otsu bồi hồi, chiếc vồ cầm tay cơ hồ muốn rớt. Trước mặt nàng chỗ nào cũng thấy hiện ra hình ảnh người yêu. Hy vọng và lo sợ lại bắt đầu nhen nhúm trong lòng người thiếu nữ đa cảm.

Otsu hoa mắt. Màu xanh hồ thủy của tấm lụa nàng vừa nhuộm ùa vào choáng ngợp cả hồn nàng rồi vỡ từng mảnh, tan nát.

Otsu bỏ vồ đứng lặng một lúc, đoạn thu xếp dụng cụ cất vào kho, tuy mặt trời bấy giờ mới hơi ngả bóng.


oo
Sáng hôm sau, vừa nghe tiếng Mambei gọi, Otsu đã khoác hành trang đội nón ra cửa. Phương đông, trời đỏ hồng hứa hẹn một ngày tươi đẹp. Rặng núi xa xanh đen đổi màu sáng dần cùng với ánh mặt trời mỗi lúc một rõ.

- Tôi làm phiền bác quá !

- Có gì mà phiền ! Đằng nào tôi cũng phải cất hàng về phía đó. Chỉ sợ cô không đủ sức đi nổi thôi.

- Từ đây đến chỗ Ogin ở bao xa ?

- Phải đi hết một ngày.

- Thế thì tôi đi được.

- Vậy hả ? Tôi cũng nghe nói cô đã một mình đi từ Yagyu đến Edo. Con gái như thế là khoẻ rồi !

Dứt lời, gã lái buôn cười ha hả. Otsu cũng cười:

- Ai nói bác biết vậy ?

- Người ta nói.

- Người ta là ai ?

- Thì mọi người. Ở xưởng nhuộm cũng như ở Miyamoto. Người ta bảo cô phải lòng anh chàng Takezo nào đó ...

Mặt Otsu đỏ nhừ:

- Người ta hay kháo chuyện người khác quá nhỉ.

Mambei cãi:

- Có sao đâu ? Đi tìm người cô yêu thì có gì đáng trách ! Phải cái anh chàng Takezo đó có lẽ không để ý đến cô. Anh ta có vẻ lạnh nhạt.

Otsu vội chữa:

- Không ... không phải thế.

- Cô không giận anh ta sao ?

- Không ! Lỗi tại tôi ! Chàng là kiếm sĩ, cần phải có thì giờ tập luyện. Kiếm đạo là lẽ sống của đời chàng. Tôi đã hứa không làm gì để luỵ đến chàng. Tôi không trách chàng điều gì cả.

Mambei quay nhìn Otsu. Gã định nói câu gì song lại thôi, lẳng lặng đi. Qua một cái quán, gã đề nghị:

- Ta vào đây nghỉ chút đã để lấy sức đi đến chiều. Đường còn dài mà.

Cả hai bước vào quán, gọi nước trà và bánh đậu, rồi giở cơm nắm mang theo từ nhà ra ăn. Lúc ra khỏi quán, một toán chừng bốn năm người toàn mã phu và lao công khuân vác ngẫu nhiên vừa tới, trông thấy Mambei, đến cạnh gã vỗ vai níu áo:

- Mambei ! Ngươi đi đâu, mấy ngày nay sao chẳng thấy mặt ? Định ăn non hả, cho anh em gỡ với chứ !

Mambei bối rối, bảo Otsu cứ đi trước, đoạn ghé tai bọn kia thì thầm điều gì. Lúc sau, cả bọn cười như phá.

- Coi chừng chúng ta mách con mụ già nhà ngươi đó !

Nói đoạn kéo nhau ồn ào vào quán.
Mambei rảo bước theo Otsu, quay lại giơ tay xua xua làm hiệu, nói lớn:

- Thôi hôm nay ta không thuê ngựa nữa. Khi nào cần sẽ gọi.

Đến gần Otsu, gã cười dả lả:

- Mấy thằng thật không biết lễ độ gì ! Thuê chở hàng, lâu dần thành quen, chúng lờn mặt.

Otsu nhìn gã, ngờ vực. Từ đó trở đi, nàng giữ kẽ, không hỏi han gì nữa nếu không thực cần thiết, mà Mambei cũng có vẻ bẽ bàng, ít cười nói. Hai người cứ đi mãi cho đến khi trời bắt đầu nhạt nắng. Thấy Mambei chẳng nói năng gì mà đường dài vẫn còn hun hút, Otsu băn khoăn hỏi:

- Makazuki ở bên này hay phải sang bên kia núi ?

- Bên này. Phía bên kia thuộc làng Miyamoto rồi. Thượng nguồn sông Aida trong đám cây xanh trên cao đó ! Cô không nhận ra à ?

- Tôi ít khi sang bên này núi nên không rõ.

Xung quanh chỉ toàn bụi gai và đá tảng. Con đường mòn hai người đang đi hẹp và quanh co, nhiều chỗ cỏ mọc phủ gần kín. Cảnh vật tiêu sơ hoang vắng đến não lòng khiến Otsu lo ngại chậm bước.

- Cô mệt rồi à ?

- Không, nhưng ngài ngại thế nào ! Ở đây hoang vu quá, từ nãy đến giờ đi chẳng gặp ai. Bác có lạc đường không đấy ?

Mambei cười xoà:

- Ngại gì chứ ? Mùa này đường này ít người đi. Tôi thuộc đường này lắm mà, cô cứ yên tâm.

- Nhà chị Ogin ở đâu ?

- Xóm đằng kia. Vừa nói, Mambei vừa chỉ về phía trước. Cố gắng đi thêm một quãng nữa thôi.

Cả hai rảo bước. Quả nhiên đến đỉnh đồi, trông xuống có vài căn nhà gỗ, cái lợp tranh cái lợp ngói, khuất trong những tàn cây rậm rạp.

Mambei lại nói:

- Trông thế mà đường vòng vèo còn xa. Chút nữa tới cái miếu, cô hãy ngồi nghỉ tạm để tôi vào xóm gọi bà Ogin ra.

- Ủa, tại sao phải làm vậy ?

- Chồng bà ấy dữ lắm, không muốn vợ giao thiệp với những người quen ở làng cũ nên bà phải trốn chồng đến gặp cô.

Otsu thở dài, lúc cúc theo Mambei. Tới cửa miếu, gã bảo Otsu vào, nhưng thấy trong miếu tối và ẩm, nàng chỉ vén áo ngồi ngoài cửa, trông theo bóng gã khuất dần sau những bụi gai và lau cao quá đầu người.

Chẳng bao lâu, bóng chiều sập xuống. Lá khô theo gió bay tản mác khắp nơi, rơi trên tóc, trên áo Otsu. Nhặt một chiếc lá mân mê, lá vỡ vụn trong tay, bất giác nàng nghĩ tới tuổi già, đâm lo sợ.

- Đúng rồi ! Nó đấy !

Tiếng quát thình lình khiến Otsu giật nẩy người. Nàng đứng phắt dậy, chưa kịp hành động gì đã bị hai bóng đen từ sau miếu nhảy ra bịt chặt lấy miệng và giữ chắc tay chân. Otsu ú ớ. Lẫn với tiếng gió ù ù, giọng cụ Osugi vang lên the thé:

- Đúng rồi ! Đúng con tiện tì này đây ! Trói nó lại cho ta !

Otsu khiếp sợ, nhắm nghiền mắt lại. Giữa cơn thảng thốt, nàng tưởng vừa rơi xuống âm ti, quái Musashi lố nhố hiện thành hình quỷ sứ đến bắt nàng, đứng đầu là một nữ quỷ tàn ác xõa tóc, tròng mắt trắng dã ghé sát vào mặt nàng soi mói. Otsu thở hắt ra không biết gì nữa.

- Cô ấy ngất đi rồi !

Tiếng cụ Osugi lạnh tanh:

- Càng tốt. Khiêng nó đến chân đèo, ngã ba Shimonosho đợi ta. Chỗ có cái suối theo đường tắt đi cho chóng.

Hai tên kia đi khỏi, cụ Osugi vòng ra sau miếu. Mambei đã chờ sẵn.

- Bác Mambei hả ?

- Phải. Bà thấy tôi được việc không ?

- Được. Ta cứ sợ nó không đi.

Mambei nhe răng cười hì hì:

- Dễ quá mà ! Kế của bà hay thật ! Cô ấy tin ngay, nhưng nửa đường gặp mấy thằng bạn mắc dịch phá, tưởng hỏng việc rồi chứ !

Gã đem chuyện gặp bọn mã phu trước đó dọa dẫm ra sao kể lại. Cụ Osugi gật đầu, suýt xoa:

- May lắm, may lắm.

Đoạn rút trong bọc ra một số tiền chẳng biết là bao nhiêu dúi cả vào tay Mambei.

- Chớ đem chuyện này nói cho ai biết nghe không ?

- Khỏi ! Bà khỏi cần nhắc !

- Khi nào có việc gì, ta lại nhờ đến bác.

- Dạ được.

Vừa định quay gót về phía cửa miếu, cụ Osugi bỗng nghe đánh “huỵch” một cái. Tiếp theo là những tiếng òng ọc tựa tiếng con vật đang bị chọc tiết. Hoảng sợ, bà la lớn:

- Mambei ! Mambei !

Không nghe Mambei trả lời. Phân vân một lúc rồi rón rén bước thêm vài bước nữa đến gần bụi sim sau miếu, cụ Osugi lại cất tiếng gọi:
- Mambei !
Vẫn không nghe ai đáp. Bỗng nhiên bà giật mình đánh thót. Sừng sững bên bụi gai là một bóng đen, lăm lẳm trong tay thanh kiếm.

- Ai đó ?

- Ta !

- Ta là ai ? Ăn cướp hả ?

- Ta là người vừa giết tên Mambei.

Hoảng hồn, cụ Osugi giật lùi lắp bắp:

- Giết ... giết người ! Ăn cướp ! Người theo ta để ăn cướp phải không ?

Bóng đen cười gằn:

- Ai thèm ăn cướp của bà ? Bà có được bao nhiêu tiền mà ăn cướp ?

- Vậy theo ta làm gì ? Ta là Honiden Osugi gia trưởng một tộc lớn ở Miyamoto, ngươi phải hiểu rõ điều ấy.

Tên Honiden Osugi như khơi dậy nỗi căm giận trong lòng bóng đen cầm kiếm. Gã gằn giọng:

- Ừ ! Honiden Osugi ! Đồ gian ác ! Mụ quên ta rồi chăng ? Ta là Jotaro đây !

- Ủa, thằng Jotaro !

- Phải rồi, chính ta. Nhưng ta không còn là thằng con nít như trước. Mụ là cái cây già, mỗi ngày một cằn cỗi, còn ta mỗi ngày một lớn mạnh. Mụ không coi thường ta được.

Tiếc thay, cụ Osugi không bao giờ ý thức được điều ấy. Bà vẫn coi Jotaro như đứa con nít và tức giận, xông đến giơ tay định vả cho nó mấy cái.

Dĩ nhiên Jotaro tránh khỏi một cách dễ dàng. Nhưng cử chỉ của cụ Osugi làm Jotaro nổi nóng. Nó đẩy mạnh bà ngã lăn ra đất. Lồm cồm bò dậy, bà rút thanh kiếm ngắn gia bảo, nhắm hướng Jotaro đâm tới. Trời tối, mắt lại kém, mong gì trúng đích. Chỉ khẽ xoay người một cái nhẹ, Jotaro đã nắm được cổ tay bà vặn mạnh. Bà rú lên đau đớn, để rớt thanhk, thở hổn hển:

- Láo ! A thằng này láo.

- Cô Otsu đâu ?

- Làm sao ta biết.

Thái độ ngoan cố của cụ Osugi khiến Jotaro càng thêm giận. Nó bẻ quặt tay bà ra sau lưng, dẫn đến bên xác Mambei. Cụ Osugi run bần bật.

- Nếu mụ không nói rõ, ta sẽ giết mụ như thế này. Tại sao mụ cho người theo ám hại cô Otsu ? Ta đến trễ nhưng còn kịp nghe rõ mụ thuê thằng súc sinh này lừa cô Otsu đến đây. Mụ để cô ta đâu ?

Cụ Osugi lặng thinh, chỉ rên khe khẽ.

Jotaro vặn mạnh tay thêm chút nữa. Bà hét lên:

- Ối đau ! Buông ra, để ta nói.

- Ở đâu ?

Cụ Osugi hổn hển đáp đứt quãng:

- Chân ... chân đèo ....Shimonosho.

Nới lỏng tay, Jotaro định thả bà lão. Nhưng nghĩ sao nó lại thôi, sợ với bản tính bướng bỉnh như thế, bà sẽ còn theo đuổi mãi không bao giờ để cho sư phụ nó và cô Otsu được yên ổn.

Ý tưởng giết cụ Osugi thoáng qua trong trí. Giết thì dễ lắm nhưng không nỡ. Vả chẳng biết thầy nó và cô Otsu có cho như thế là phải không. Nó phân vân quá.

Suy đi tính lại, Jotaro thấy trong lúc này, việc cứu Otsu là cấp thiết. Cứ để bà già ở đây đã rồi sau sẽ hay.

Jotaro trói tay cụ Osugi lại, lấy vải bịt miệng rồi nắm áo đẩy bà đi tìm một chỗ giấu.

Trong miếu thì không được rồi. Chỗ ấy lộ liễu quá, vì sát đường mòn, thường có khách bộ hành lui tới nghỉ chân, dễ bị phát giác. Loanh quanh mãi, vào sâu trong núi thấy có kẽ hở giữa hai tảng đá, bên ngoài chỉ một người chui lọt nhưng bên trong rộng như cái hang, hai ba người ngồi được, Jotaro dẫn cụ Osugi đem giấu về đấy. Lại lấy đá lớn và cành khô bít lối để mọi người không để ý.

Đoạn xuống đèo, tất tả đi về phía ngã ba Shimonosho.

Con suốt bắt nguồn từ trên núi, lúc đầu còn nhỏ, đến ngã ba Shimonosho, chân đèo Mikazuki, thì chảy tràn ra rộng đến mấy chục trượng. Lòng suối cạn, nhiều cát, dễ đi, khách từ bờ này sang bờ kia xắn quần lội qua, chỗ nước sâu nhất cũng chưa đến đầ u gối. Gia nhân cụ Osugi khiêng Otsu tới ven suối, đặt nàng xuống, ngồi nghỉ.

Gió đêm lạnh thốc vào mặt khiến Otsu tỉnh từ lâu, nhưng tay chân nàng bị trói, khăn bịt miệng quàng ra sau gáy buộc chặt cứng hai tai làm nàng khó chịu, có muốn kêu cứu cũng chỉ phát ra những tiếng ú ớ. Đêm khuya, bốn bề vắng lặng. Chẳng biết chỗ này là chỗ nào, Otsu nằm ngửa nhìn trời. Qua khoảng trống của những tàn cây xao động, vài ngôi sao nhỏ li ti nhấp nháy lúc ẩn lúc hiện. Hai tay khiêng nàng ngồi trên phiến đá, cách chỗ Otsu nằm chừng chục thước. Chúng chuyện vãn những gì nàng nghe không rõ phần vì gió thổi ù ù, phần vì khăn buộc quá chặt.

Đột nhiên một đứa chồm dậy:

- Bà già tới ! Ta nghe hình như có tiếng gọi !

Đứa kia lắng tai rồi nói:

- Đâu ! Có gì đâu !

Cả hai im lặng chú ý:

- Ừ ! Chẳng thấy gì. Quái, sao bà già lâu thế nhỉ ! Có lẽ đã sang giờ tí. Bỗng văng vẳng từ xa, lẫn trong gió, nghe quả như có tiếng gọi vọng đến thật:

- Otsu ... ư? ... ư? ... Otsu ư? ... ư? ...

- Phải tiếng bà già không ?

- Không phải. Nếu bà già gọi thì phải gọi tên chúng ta chứ !

Nhưng tiếng gọi mỗi lúc một gần, nghe như tiếng hú. Trong đêm tịch mịch, giọng kéo dài tựa giọng hú hồn người đã khuất. Một nỗi sợ bâng quơ luồn vào xương tủy, chạy dài trên sống lưng khiến hai đứa rùng mình.

- Hay bà già làm sao rồi ?

Chúng đưa mắt nhìn nhau, đoạn đến bên Otsu khiêng nàng sang bên kia suối.

- Đợi bà già mãi không thấy đến. Hay ta cứ khiêng nó về làng ? Ở đây rờn rợn thế nào ấy !

Thình lình từ trong bụi, một bóng đen nhảy xổ ra, kiếm tuốt trần chỉ mặt hai đứa.

- Muốn sống để cô Otsu đấy !

- Ngươi là ai ?

- Aoki Jotaro ! Cụ Osugi bảo các ngươi giao cô Otsu lại cho ta !

- Nói láo !

- Có gì làm chứng !

- Không cần chứng cớ gì hết. Có giao hay không thì bảo ?

- Không. Cụ Osugi đâu ?

- Ta bắt rồi !

- Á ! Thằng này gớm thật ! Ngươi bắt bà già hả ? Đem đi đâu ?

Jotaro cười đắc thắng:

- Cứ giao cô Otsu cho ta, ta chỉ chỗ cho mà tìm.

Nhưng tên kia không đáp, lập tức cầm gậy tre nhảy tới. Jotaro phóng kiếm lên chênh chếch. Tên kia nghiêng người tránh được rồi quay gậy vù vù tiến sát đến bên Jotaro.

Gậy, kiếm quấn vào nhau. Gia nhân cụ Osugi ý chừng cũng biết võ nghệ nên sử dụng cây gậy khá thành thạo. Y tả xung hữu đột, những đường gậy tung ra vững vàng, uy mãnh nhưng xem ra không mấy chính xác và so với những chiêu kiếm của Jotaro, kém phần nhanh nhẹn. Tên đồng lõa đứng ngoài reo hò, cổ võ, chẳng chú ý gì đến Otsu, bị trói như bó giò nằm một chỗ.

Thấy Jotaro đến, Otsu mừng vô kể. Jotaro không còn là thằng bé như ngày xưa nữa. Ban đêm, không nhìn rõ mặt, nhưng giờ đây nó quả là một thanh niên hào hùng, có đảm lược khiến nàng phấn chấn hẳn lên. Tuy nhiên, hình như Jotaro không được tự tin lắm, có lẽ vì thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Otsu thầm nghĩ nếu không nhân cơ hội này mà tự cứu lấy mình để tiếp tay với Jotaro thì không biết rốt cuộc ra sao. Nếu thất bại, không những nó phải bỏ mạng nơi đây mà chính nàng cũng nguy khốn.

Trong bóng tối, Otsu trườn mình đến gần tảng đá. Tìm một cạnh sắc, nàng kề dây trói vào, cà đi cà lại nhiều lần, lòng khấn thầm Trời Phật phù hộ cho Jotaro cầm cự thêm chút nữa.

May thay, dây trói bện bằng cỏ tranh, chẳng mấy lúc đã đứt tung. Cởi trói được tay chân xong, giật khăn bịt miệng ra, Otsu vùng lên hét lớn:

- Cô đây, Jotaro ! Cố lên ! Đừng để thất bại !

Tên đứng ngoài sực nhận ra đã sơ xuất bèn chạy vội tới. Otsu nhanh chân, trốn ngay vào sau đám loạn thạch, nhặt cuội, đá ném ra như mưa bấc.
Thấy Otsu tự cởi được trói, Jotaro phấn khởi tinh thần. Nó đem hết sức bình sinh ra chống đỡ. Lời khích lệ của Otsu đã biến Jotaro thành con cọp dữ. Nó vung kiếm phản công dữ dội, nhiều khi không cần biết đến chiêu thức gì nữa. Rõ ràng đây là một cuộc tranh sống một còn, một mất.

Jotaro chỉ được huấn luyện sơ sài về kiếm pháp, nhưng nhờ còn trẻ tuổi, nó nhanh hơn địch thủ nhiều. Gã kia xem chừng đã thấm mệt, những đường gậy đánh ra đôi lúc lúng túng. Nhưng cả hai, bên nào cũng nóng lòng thủ thắng nên không bên nào bình tĩnh nữa.

Phía ven suối, Otsu trốn sau tảng đá vẫn ném những viên cuội lớn ra ngăn cho kẻ đuổi theo mình không dám đến gần. Đột nhiên, “bộp” một tiếng, một viên trúng ngay vào đùi địch thủ của Jotaro. Y giật mình, quay lại. Trong nháy mắt phân tâm ấy, y không để ý đến Jotaro như con báo, xông đến. Hai tay giữ chắc chuôi kiếm, Jotaro đâm một nhát trúng ngực kẻ địch, lưỡi kiếm xuyên suốt từ đằng trước ra đằng sau, đốc kiếm sát vào tận áo.

Rút kiếm ra, máu phun xối xả, Jotaro phải né sang bên. Xác địch đổ xuống, mồm còn há hốc và mắt trợn ngược trong cơn ngạc nhiên tột độ. Đột biến khiến cục diện thay đổi chớp nhoáng. Thấy đồng bọn gục ngã, tên kia hoảng hốt co giò chạy, Jotaro phóng cước đuổi theo, vung gươm toan kết liễu đời tên cường bạo.

- Jotaro ! Jotaro ! Tha cho nó.

Giọng Otsu gọi lạc đi, khẩn thiết làm Jotaro khựng lại, vừa mừng vừa sợ. Otsu chạy đến ôm Jotaro:

- Tha cho nó em ạ ! Nó thua rồi, giết làm gì !

- Nó đi báo người khác đến bắt mình thì sao ?

- Thì mình bỏ đi, đừng nên giết nó, tội nghiệp !

Rồi nắm tay Jotaro, Otsu giục nó đi ngay. Thế là cả hai theo nhau rảo bước trở ngược lại đường cũ.

Qua ngôi miếu, nàng chỉ cho Jotaro biết chỗ ấy hồi chiều nàng bị gia nhân cụ Osugi bắt cóc. Jotaro gật đầu. Nó chẳng đả động gì đến chuyện đã ám sát Mambei và giam cụ Osugi vào hốc đá.

Gà gáy sang canh, có lẽ quá nửa đêm rồi, sương xuống lạnh. Otsu có vẻ mệt, Jotaro phải dìu nàng đi chậm bước. Cánh tay Otsu vịn vào Jotaro mỗi lúc một nặng thêm. Thấy có túp lều bỏ hoang, nó dìu Otsu lại đó, nhặt những cành gãy và lá khô, nhóm lên một ngọn lửa nhỏ.

Otsu không còn hành trang gì, Jotaro mở đẫy lấy mảnh chiếu trải ra, bảo Otsu đi nghỉ và cởi áo ngoài đắp cho nàng.

Ngồi dựa lưng vào góc lều, Jotaro đăm đăm nhìn ngọn lửa, nghĩ ngợi mông lung. Lát sau thiếp đi trong những tiếng côn trùng rỉ ra xung quanh và mùi thơm hơi khét của những lá khô chưa cháy hết.
[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 7 Chương 79: Màu xanh hồ thủy Reviewed by Super Ponja on 3/20/2012 Rating: 5
0 Chém

Chúng ta có thể không nói hết những gì mình nghĩ nhưng hãy nghĩ hết trước những gì mình nói!
Nhận xét sẽ bị xóa nếu có những từ ngữ thiếu văn hóa hoặc có ý xúc phạm quá đáng người khác.
Cảm ơn sự hợp tác của các bạn!

All Rights Reserved by Truyện tranh online - vagabondmanga.com © 2012 - 2016

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.