[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 5 Chương 62: Mảnh vỏ bào - Truyện tranh online - vagabondmanga.com

Top Ad unit 728 × 90

[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 5 Chương 62: Mảnh vỏ bào

Yajibei ngạc nhiên, không ngờ cụ Osugi là người ít giao thiệp lại quen biết gã kiếm sĩ trẻ tuổi ấy. Ông cũng định hỏi cho rõ nhưng trước mặt vị tăng già, thấy không tiện lại thôi.

Hai gã chân sào ra chỗ thuyền đậu, sửa soạn cởi giây buộc để dời bến. Thình lình Kojiro rẽ lau bước tới:

- Các chú chở ta sang bên kia sông được không ?

Còn khiếp sợ vì đường gươm chớp nhoáng của gã thanh niên kiếm sĩ áo đỏ, hai gã ấp úng. May sao cụ Osugi đến. Thấy bà, Kojiro đổi ngay thái độ, tươi cười hỏi:

- Lão bá làm gì ở đây thế ?

- Ta lên chùa Phổ Giác dâng hương.

- Lão bá đi thuyền này đấy ư ?

- Phải.

- May quá ! Vãn bối cũng muốn sang sông về Edo. Phiền lão bá cho quá giang được chăng ?

Cụ Osugi chưa kịp đáp, Yajibei đã tiến ra vái chào. Nhanh trí và khôn ngoan, ông biết không thể từ chối được nên đi bước trước để mua chuộc cảm tình của Kojiro. Ông tự giới thiệu mình và ân cần mời chàng thanh niên kiếm sĩ cùng xuống thuyền trở về Edo.

Tâm thuật Yajibei và Kojiro khác nhau nhiều lắm, nhưng đôi khi những người khác tính nết lại tình cờ có một vài sở thích giống nhau. Yajibei và Kojiro đều thích ăn cá sống, vì vậy khi cá tươi được mang tới và khay rượu bày ra, cả hai đều tỏ vẻ hoan hỉ. Dưới mắt Yajibei bấy giờ, Kojiro không còn là một kẻ sát nhân ghê sợ nữa mà là một tri kỷ.

Câu chuyện nổ như pháo ran. Trong lúc cao hứng, chàng thanh niên kiếm sĩ rửa chén chuốc rượu mời cụ Osugi và chủ thuyền, sau đó lại rót cho hai gã chân sào mỗi người một chén. Cụ Osugi hỏi tin tức về Musashi:

- Hình như hắn vẫn còn ở vùng Edo này. Mùa thu năm ngoái, có người thấy hắn đến thăm một kiếm sĩ có danh vọng về võ học ở ngoại thành.

Yajibei không đồng ý, cho là sai lầm. Nếu Musashi còn ở Edo thì gia nhân đã báo ông biết rồi. Kẻ chịu ơn ông không hiếm, lại thuộc mọi tầng lớp xã hội, có lý nào hành tung của một kiếm sĩ đã diệt gần hết phái Yoshioka qua khỏi mắt họ được.

Tuy tin tức về kẻ thù không rõ nhưng lòng quan tâm theo dõi của hai người làm cụ Osugi yên bụng. Bà hy vọng nếu cả hai cùng giúp thì chóng chầy gì bà cũng bắt được Takezo.

- Già này được cả hai vị để tâm ra sức giúp cho, thật muôn vàn may mắn. Chắc những lời cầu xin của già đã được đức Phật chứng giám nên ngài run rủi cho gặp hai vị. Thật là hạnh ngộ.

Nói rồi bà cúi rạp đầu xuống sạp thuyền tạ Ơn và rót rượu mời Yajibei và Kojiro.

Nhân cơ hội, Yajibei cũng muốn biết thêm về kẻ đối ẩm, bèn đưa đẩy:

- Kojiro đại hiệp ! Thế bốn tên mà đại hiệp vừa giết ở ven sông là ai vậy ? Có liên hệ gì với Musashi chăng ?

Dường như chỉ đợi có thế, uống xong chén rượu, Kojiro nhếch mép cười khinh mạn, đáp:

- Có gì đâu mà phải bận tâm ! Bọn đó là tiểu tốt của Obata chứ không liên hệ gì đến Musashi. Obata mở trường dạy binh pháp, ta có đến thăm mấy lần.
Toàn lý thuyết suông. Cũng có lần lão luận về thuật dụng kiếm, nhưng cũng như lý thuyết về binh pháp của lão, hão huyền cả. Ta có lên tiếng chỉ trích thì bị bọn đồ đệ Obata đả kích và thách thức. Ta chỉ cười và hẹn chúng đến bờ sông Sumida cho chúng nếm thử chiêu kiếm trảm nhạn của ta.

Ngừng một lát, rót thêm rượu uống cạn, Kojiro lại tiếp:

- Có năm đứa đến, nhưng một đứa sợ quá bỏ chạy ngay từ đầu. Hà hà ...Còn bốn đứa kia, làm sao địch nổi một cái vẩy tay của ta được.

Kể xong, hắn gật gù cười nhạt:

- Ở Edo này xem ra chẳng thiếu gì kẻ khoác lác, nói một tấc lên đến trời mà hành động thì khiếp nhược ...

- Obata ? Obata nào nhỉ ?

- Obata Kagenori, tôn ông không nghe nói đến bao giờ ư ?

- Không, lão phu kiến thức nông cạn ...

- Obata xuất thân ở đất Cải, một thời giữ chức tham nghị quân sự cho sứ quân Takeda. Bây giờ về hưu, mở trường riêng thu đồ đệ.

Yajibei tuy là một doanh nhân, không hiểu rõ về những việc xảy ra trong giới võ lâm nhưng tính tình chất phác dễ tin người. Những lời Kojiro nói khiến ông phục lắm. Qua vài mẩu chuyện trao đổi, ông thấy gã thanh niên ngồi trước mặt tuy hợm hĩnh, tàn nhẫn nhưng là một kẻ có tài về kiếm thuật và chắc chắn đường gươm độc đáo của hắn sẽ dùng được việc khi cần, bèn nảy ý muốn mua lòng Kojiro. “Gã này còn trẻ, chưa cạo đầu xuống tóc như các kiếm sĩ khác mà đã tỏ ra có bản lĩnh và kiến thức, thật không phải dễ tìm. Mình nên tìm cách giữ hắn làm thủ túc”.

- Đại hiệp ! Lão phu có lời đề nghị.

- ...

- Hiện trong nhà lão phu có nuôi được chừng bốn năm chục gia nhân đều là thanh niên can đảm, khỏe mạnh. Lão phu có ý muốn xây dựng một võ đường cho họ luyện tập và mời đại hiệp giảng dạy. Đại hiệp nghĩ thế nào ?

Kojiro ngồi im một lát, đoạn nhìn thẳng vào mặt Yajibei mà nói:

- Tôn ông cũng biết là đã có nhiều sứ quân mời tại hạ, bổng lộc hai ba ngàn gia. lúa mỗi năm nhưng tại hạ chưa tiện nhận lời vì thú thật, hiện nay chưa muốn bị ràng buộc bởi một lời hứa nào cả. Vả lại tại hạ đã định không làm việc gì nếu bổng lộc không được năm ngàn giạ.

Ngưng một lát, hắn lại tiếp:

- Nhưng thế nào cũng có dịp tới vấn an tôn ông.

- Đa tạ đại hiệp.

Cụ Osugi khẩn khoản xin Kojiro lưu tâm đến lời đề nghị ấy nhưng gã chỉ ậm ừ.
Đến gần cầu Đại Bản, cảnh hỗn tạp vùng Edo đã thấy xuất hiện. Kojiro yêu cầu cho thuyền cập bến, từ giã cụ Osugi và chủ thuyền để lên bờ. Nhìn vóc dáng cao lớn của gã thanh niên với thanh kiếm đeo trên lưng dài như cây sào phơi in rõ nét trên nền áo tía khuất dần theo con đường mòn ven đô, Yajibei không khỏi khen thầm, khẽ thốt:

- Chà ! Con người trẻ tuổi mà ghê gớm quá !

Cụ Osugi cũng trông theo. Liên tưởng đến Matahachi, bà khẽ thở dài không nói.

Năm ngày sau, Kojiro đến tư thất Yajibei như một cơn lốc. Chủ nhân hân hoan ra đón, lại gọi gia nhân lần lượt từng người tới cung kính vái chào khiến Kojiro rất xứng ý.

- Đây là số gia nhân phụ trách trong nhà. Còn một số nữa cũng hiểu biết võ nghệ và kiếm thuật được lão phu sai đi làm chút việc nên không ra mắt đại hiệp được, xin thứ lỗi.

- Tôn ông có nếp sống phong lưu lắm nhỉ !

Yajibei mỉm cười:

- Cũng không phải lo về sinh kế. Như lần trước đã đề nghị với đại hiệp, lão phu muốn mở một võ đường ...

- Tại hạ hôm nay đến đây cũng vì lý do ấy. Xin cho xem khu vườn tôn ông định dựng võ đường.

Yajibei dẫn Kojiro ra vườn sau. Thấy có một số vải đương nhuộm phơi la liệt trên cỏ, Kojiro ngỏ lời hỏi.

- Vườn rộng, lão phu cho nhà hàng xóm làm nghề thợ nhuộm thuê phơi vải. Nếu đại hiệp nhận lời, để bảo họ dẹp đi.

- Bất tất ...Tôn ông dựng võ đường làm gì ! Vườn này khá kín đáo không trông ra đường, chỉ cần khai quang một khoảng đổ cát lên là được. Chẳng ai làm rộn.

- Nhưng nếu trời mưa ?

- Trời mưa tại hạ không đến. Và cũng báo để tôn ông rõ, những buổi tập luyện sẽ nguy hiểm lắm đấy, không như ở các võ đường khác đâu. Tôn ông cần cảnh cáo gia nhân, nếu họ không chú ý sẽ bị tàn phế cả đời hay có khi mất mạng nữa.

- Được rồi ! Họ phải hiểu chuyện đó. Đại hiệp cứ giảng dạy theo ý muốn.

Các buổi luyện tập được ấn định mỗi tháng ba lần vào những ngày mồng ba, mười ba và hăm ba nếu trời không mưa, lương bổng tùy số lần luyện tập nhưng không dưới hai ngàn gia. lúa mỗi năm và các phí tổn linh tinh trong khi giảng dạy chủ nhân phải đài thọ.

Sân luyện võ vừa hoàn tất, Kojiro đã khai giảng ngay và mới hôm đầu tiên đã không nương tay với các võ sinh dù họ thiếu kinh nghiệm. Đến hôm thứ ba thì đã có một người gãy cẳng và bồn năm kẻ bị thương nhẹ.

Đứng giữa sân, lăm lăm cây kiếm tre, Kojiro lớn tiếng cảnh cáo:

- Ta đã bảo phải cẩn thận chú ý đề phòng ! Nào ai muốn tập nữa ? Muốn thì vào đây, nếu không ta đi về, khỏi mất thì giờ vô ích.

Trong số võ sinh đứng ngoài lố nhố bên gốc phong lớn, một thiếu niên bước ra nói:

- Vãn sinh ! Xin đại hiệp nương tay cho !

Và cúi xuống nhặt thanh kiếm gỗ.

Một tiếng “chát”. Thanh trúc kiếm của Kojiro đã giáng vào lưng. Thiếu niên ngã sấp, nằm bất động trên nền cát ẩm, chưa kịp giơ kiếm lên đỡ.

Mọi người xúm đến khiêng thiếu niên võ sinh đặt dưới tàn cây, lấy nước vẩy lên mặt. Nhưng gã không tỉnh, mặt nhợt nhạt, lát sau mắt lạc thần, không thở nữa.

- Các ngươi trông gương đó ! Lúc nào cũng phải cẩn trọng không được sơ hở. Để đối thủ khai thác nhược điểm của mình là điều tối kỵ trong khi giao đấu !

Bầu không khí nặng nề khó thở. Võ sinh đưa mắt nhìn nhau, có người cau mặt giận dữ, có người nhẫn nhục chịu đựng, nhưng ai cũng tỏ vẻ bi thương. Duy Kojiro không hỏi han và cũng không hề để mắt nhìn đến cái xác không hồn của thiếu niên võ sinh nằm dưới tàng cây phong lớn.

- Nếu cái chết làm các ngươi sợ hãi thì tốt hơn hết nên từ bỏ kiếm thuật. Tinh thần còn quan trọng hơn kiếm thuật. Sự luyện tập là cần nhưng biết khép mình vào kỷ luật để chế ngự xúc động và giữ cho mình cái dũng khí cần thiết khi lâm trận, đó mới là điều cốt yếu. Nào ! Ai là kẻ tự cho mình còn giữ được cái dũng khí ấy thì vào đây !

Không ai lên tiếng và cũng không ai động đậy gì.

Thình lình một võ sinh trung niên cao lớn đứng phía sau Kojiro nhảy vọt tới với ý định tập hậu hắn. Nghe tiếng gió, Kojiro cúi rạp mình. Bị mất đà, trung niên võ sinh ngã lộn ra phía trước và thanh trúc kiếm của Kojiro cũng vừa bổ xuống trúng hông gã. Tiếng thét đau đớn vang lên. May gã chỉ bị gẫy xương chứ không đến nỗi nguy đến tính mệnh.

Kojiro vứt kiếm xuống sân, tháo bao tay, nói:

- Thôi ngưng ! Hôm nay như thế tạm đủ.

Đoạn ra giếng múc nước rửa mặt.

Xác gã thiếu niên võ sinh được khiêng vào hậu sảnh và người ta lo chữa trị cho những kẻ bị thương. Gia nhân đổ đi tìm Yajibei, kháo với nhau khe khẽ:

- Có lẽ phải nói với chủ nhân ngưng tập thôi. Nguy hiểm quá !


oo
Về đến nhà, Yajibei hốt hoảng đến ngay hậu sảnh thăm gia nhân bị thương và cử người lo việc mai táng cho gã thiếu niên bạc phúc.

Ra nhà ngoài, thấy Kojiro ung dung ngồi uống trà bên chiếc kỷ thấp, đột nhiên hình ảnh gã kiếm sĩ vung gươm kết kiễu đời kẻ thua trận không đủ sức tự vệ trên bờ sông Sumida tháng trước hiện lên trong trí ông khiến ông nửa bất mãn, nửa phẫn nộ.

Một người, dù có tài năng đến mấy đi nữa mà thờ ơ như thế trước cái chết và sự đau khổ của đồng loại do chính mình gây ra thì người ấy cũng không đáng để ông ngưỡng mộ.

Thấy ông vào, Kojiro điềm nhiên quay lại hỏi:

- Nghe nói Edo có xóm yên hoa mới lập, chủ nhân chắc biết rõ, sao không cho tại hạ đến thăm ?

Muốn uống rượu hay hưởng lạc, Kojiro thường vẫn có thói đòi hỏi như thế, chẳng biết vì dụng ý trơ trẽn hay chỉ vì tuổi thiếu niên thiếu tế nhị. Yajibei khôn khéo đáp:

- Thế ra đại hiệp chưa đến đó bao giờ ư ? Tối nay lão phu phải ở nhà trông coi gia nhân lo việc tang chứ không thì cũng đến đó với đại hiệp.

Nói đoạn gọi hai tên bộc thân tín là Juro và Koroku đến đưa cho một số tiền và căn dặn:

- Các ngươi đến đó không phải để ăn chơi mà để đại hiệp sai bảo. Đừng để đại hiệp mất vui. Nhớ lời ta dặn.

Cả ba theo đường mới đắp qua bãi đậu thuyền Kyobashi, đến gần xóm yên hoa thì trời đã chạng vạng. Ban đêm ở Edo bấy giờ phần lớn chưa có đèn. Những đêm không trăng như đêm nay, trời tối như mực, ba thầy trò Kojiro bước khấp khểnh khó khăn. Đường gồ ghề, nhiều đoạn đá, cát chất thành đống ngổn ngang, đường chính không đi, đi xuống ruộng.

- Chà ! Đường xá gì mà tồi tệ quá. Đáng lẽ ta phải mang đèn.

Juro cười:

- Đi chơi mang đèn để tổ người ta cười cho. Ấy ! Cẩn thận, có đống đất mới đào, đại hiệp tránh sang bên kẻo sa xuống hố !

Cả ba cùng nói cười vui vẻ, quên hẳn chuyện bị thảm ban chiều. Đến một cái cầu gỗ bắc ngang qua một con lạch nước đục ngầu phản chiếu màu trời đỏ quạch, Koroku bảo Kojiro:

- Xóm yên hoa ở bên kia cầu này. Đây là đường tắt, chứ đường chính xa hơn và đông người qua lại. Đại hiệp có cần khăn vải không ?

- Để làm gì ?

- Để che mặt đi một chút. Như thế này ...

Hắn vừa nói vừa lấy khăn trong bọc ra choàng lên đầu.

Kojiro cũng bắt chước, dùng một tấm khăn lụa màu lá úa bịt tóc.

Koroku nhìn rồi nói:

- Được lắm ! Bảnh quá rồi !

Juro cũng phụ họa:

- Màu khăn thật khéo chọn !

Đến xóm yên hoa, nhà nào nhà nấy đều đã lên đèn. Tuy không được như xóm Liễu ở Kyoto, nhưng cái không khí ăn chơi rộn rịp không kém. Trước cửa thanh lâu phần nhiều có treo rèm lụa màu hoàng yến hoặc nghệ non. Có nhà buộc dây đeo lục lạc hoặc khánh sành dưới chân cửa để báo hiệu cho con em biết mỗi khi có khách đến.

Kojiro cùng hai gia nhân đi lẫn lộn trong đám khách tìm hoa, người nào trên đầu cũng buộc một vuông khăn như một ước lệ. Họ vào nhà này, nhà kia, ngắm nghía một lúc rồi lại đi ra, dường như chưa vừa ý.

- Thôi, đại hiệp khỏi cần giấu diếm nữa. Juro nói.

- Giấu diếm cái gì ?

- Đại hiệp bảo chưa tới khu này bao giờ, sao vừa đến nhà đằng kia đã có người nhận ra ngay ?

- Ai ? Ta đâu có biết !

- Một cô em nấp sau tấm bình phong, thấy đại hiệp đến, kêu lên rồi bỏ chạy.

Kojiro mỉm cười:

- Họ lầm đấy. Ta quả chưa đến nơi này bao giờ.

Nhưng lát sau nghĩ thế nào, hắn lại bảo hai tên theo hầu:

- Hay là trở lại nhà đó, xem cô bé ấy là ai.

- Tùy đại hiệp.

Cả ba trở lại ngôi thanh lâu đầu tiên, trước cửa treo hai chữ Ogiya. Căn nhà mới cất được một phần, kiến trúc dự trù có vẻ quy mô, hàng cột vài mái thấp rập theo lối kiến trúc các đền miếu cổ thành Kyoto, nhưng nhìn kỹ có một vẻ tạm bợ và thiếu phong cách chững chạc. Kojiro đoán chừng dưới sàn gỗ có lẽ vẫn còn là bãi lầy với cỏ hoang và ếch nhái. Căn đại sảnh dùng làm phòng ăn chưa kịp dọn dẹp, bừa bãi khay rượu, khăn lau tay và những cánh hoa nhàu nát.

Juro vỗ tay ba lượt, đợi lúc lâu mới thấy một mụ trung niên ra đón vào, mời ngồi bên chiếc bàn thấp ở góc phòng. Trên bàn, độc nhất chiếc lọ sứ nhỏ cắm một bông cúc long trảo đã héo.

- Chỗ này mà gọi là Ogiya sao ? Kojiro hỏi, nửa bông đùa nửa chỉ trích.

- Xin quý khách lượng thứ. Quán mới cất, chưa được như ý. Xếp đặt phòng ốc và bài trí chưa đâu vào với đâu. Chừng nào xong, quý khách sẽ thấy quán chúng tôi chẳng kém gì nhà hàng chính Ogiya ở Kyoto khi trước.

- Ồ ! Thế ra đây là hậu thân của Ogiya quán ở Kyoto đấy ?

- Cũng không hẳn thế. Đây chỉ là một chi nhánh mới mở.

Nhìn Kojiro một lát, mụ rụt rè hỏi:

- Qúy khách tha lỗi, hình như năm trước chúng tôi có gặp quý khách trên đường Koshu thì phải ?

Kojiro quên lần gặp gỡ ấy nhưng vội nắm ngay lấy cơ hội để làm quen:

- Phải rồi ! Thế là ta cũng có duyên với quán này lắm.

Mọi người cười vui vẻ, không còn nhớ gì đến lời chê bai của hắn lúc trước.

- Dĩ nhiên đại hiệp có duyên với quán này rồi. Juro tiếp. Có nàng vẫn không quên đại hiệp mà !

Rồi gã tả qua dung mạo và y phục người thiếu nữ nhìn thấy sau bức bình phong cho mụ tài phán nghe. Mụ gật đầu:

- Tiện phụ biết. Tưởng ai chứ nàng đó thì đúng ở đây rồi. Xin để gọi ra bồi tiếp.

Nhưng đợi mãi không thấy ai ra, Koroku nóng ruột lại vỗ tay gọi.

- Khách quan vui lòng thư cho một chút. Chủ nhân đang cho người đi tìm. Không hiểu nàng đi đâu mà tìm mãi không thấy.

- Nàng tên gì ?

- Hanagiri.

Hanagiri là tên mới của Akemi. Sau cái đêm bị kẻ lạ mặt bắt đi và cưỡng bức ở ven sông trấn Hà Châu, tỉnh dậy, Akemi không còn cách nào khác là theo đoàn kỹ nữ đến Edo và xin nhập bọn vậy. Nàng mang tên mới do Jinnai đặt cho từ đó.

Thấm thoắt thế mà đã gần hai năm. Kiếp bèo giạt tưởng tạm yên, ai ngờ định mệnh lại đưa đẩy gã này đến với nàng lần nữa. Akemi sợ và ghét Kojiro. Cũng như Seijuro và tên cường đồ đã cưỡng bức nàng, Akemi thấy người đàn ông nào cũng ích kỷ, tàn bạo và đáng ghê tởm, ngoại trừ một người ... Người đó, chao ôi ! nghĩ đến chỉ khiến nàng tủi thân muốn khóc. Sự sợ hãi thúc đẩy Akemi tìm cách tránh mặt ba người khách. Nàng nép mình trốn trong đống gỗ vụn và dăm bào của căn lều đang dựng ở sân sau. Ngoài kia tiếng gọi “Hanagiri” vang đến tai nàng lẫn với tiếng ồn ào của khách chơi đêm, tiếng sênh phách và những tiếng rao hàng lanh lảnh.

Mỗi tiếng gọi lại như làm tăng thêm nỗi lo sợ của Akemi khiến nàng cố thu mình nhỏ lại hơn trong bóng tối như con chuột trong lỗ sâu. Nàng ngồi như thế lâu lắm, lắng nghe động tĩnh. Cho đến khi không còn tiếng réo gọi nữa và đồ chừng khách đã đi khỏi, Akemi mới bò ra, len lén xuống bếp. Thấy nàng, mụ đầu bếp ngạc nhiên:

- Hanagiri ! Đi đâu về thế ? Bao nhiêu người tìm, cả chủ nhân cũng ...

- Khe khẽ chứ ! Chủ nhân đâu ?

- Ông lên nhà khách rồi.

- Cho ta chén rượu.

- Rượu bây giờ ư ?

- Ừ, nhanh lên !

Với hũ rượu trên kệ, mụ rót một chén rượu đưa Akemi. Nàng ngửa cổ uống một hơi cạn, lấy vạt áo chùi mép đoạn chạy ra cửa.

- Đi đâu đấy ?

- Ta ra giếng sau rửa chân.

- Nhớ lên trình chủ nhân, nghe !

Nhưng Akemi không lên đại sảnh gặp Jinnai. Nàng vòng qua bếp mở cổng sau ra đường. Gió đêm thổi lành lạnh. Chút rượu vừa uống khiến nàng chếnh choáng say. Nhìn mấy khung cửa giấy sáng, trên đó hiện lên hình một hai kỹ nữ với khách làng chơi ngồi kề vai nhau, Akemi nhổ nước bọt rồi cắm cúi đi thật nhanh về phía trước.

Một cái hố, nước mưa đọng lưng chừng, phản chiếu nền trời sao lấp lánh. Akemi dừng lại ngắm, rồi nghĩ thế nào, nhìn lên trời tìm ngôi sao lớn nhất, nàng thì thầm một lời ước.

Đằng xa về phía sau, bóng đèn lồng thấp thoáng. Gió thoảng đưa tiếng chân người và tiếng gọi “Hanagiri” đến tai Akemi.

Nàng tức giận rủa thầm:

- Đồ súc vật ! Chúng không để người con gái đau khổ này yên thân được lúc nào chăng ? Nước mắt và mồ hôi của ta trong bấy lâu không đủ để chúng mua thêm được cái cột hay cây kèo nào sao ?Đừng hòng bắt ta trở về nữa !

Akemi rẽ theo đường mòn xuống ruộng. Trong bóng tối, nàng rảo bước đi nhanh, hy vọng chóng ra khỏi chỗ này càng sớm càng tốt.

Trên đầu nàng, vướng trong tóc, một mảnh vỏ bào cũng theo nhịp chân nàng bước mà nhún nhảy như múa.


oo
Khi cả ba dời khỏi trà thất thì Kojiro đã say chếnh choáng, phải vịn tay vào vai Juro mới đi được.

Phố xá vắng teo. Về đến gần bờ lạch, trời tối om nhất là qua những quãng đường có tàng cây rậm rạp. Đêm không trăng, dưới ánh sao lờ mờ khi ẩn khi hiện, cả ba bước thấp bước cao, không phân biệt được chỗ nào là đường chỗ nào là vệ cỏ nữa Juro bực dọc nói bâng quơ:

- Đã bảo ngủ lại, mai về có phải hơn không !

Koroku cũng phụ họa:

- Phải rồi. Sao đại hiệp không ngủ lại ?

- Ngủ ở đâu ? Kojiro lè nhè. Ở cái trà thất hôi hám đó à ? Không đời nào !
Thà trở lại quán Ogiya còn hơn.

- Không nên ...

- Sao lại không nên ?

- Nàng đó tuy biết đại hiệp song lại cố ý lánh mặt. Như thế thì còn thú vị nỗi gì ?

Kojiro đập tay vào vai Juro:

- Phải ! Phải ! Ngươi nói phải lắm !

- Đại hiệp muốn cùng vui với nàng không ?

- Không.

- Nhưng vẫn nhớ nàng phải không ?

- Trong đời, ta chưa bao giờ nhớ ai cả. Ta không phải hạng người dễ say mê đàn bà. Ta có nhiều việc khác phải làm !

- Việc gì ?

- Tiền tài ! Danh vọng ! Lòng ngưỡng mộ của người đời ! Ta muốn ...

- Ấy cẩn thận ! Đống đá trước mặt !

Kojiro tránh sang bên. Đột nhiên, hắn gạt tay Juro và Koroku rồi quát lớn:

- Ai ?

Một bóng đen nhào tới, mũi kiếm phóng thẳng vào bụng Kojiro cùng với tiếng thét:

- Coi đây !

Tình hình khẩn cấp khiến Kojiro tỉnh hẳn rượu. Hắn nghiêng mình tránh mũi kiếm sát thủ, rồi nhảy lên tảng đá đảo mắt nhìn. Quanh hắn, hàng chục bóng đen khác lố nhố từ các lùm cây ven lộ xông ra - Súc sinh ! Mày giết bạn đồng môn của ta, mày phải chết.

Kojiro cười gằn, với tay ra sau lưng rút “cây sào phơi” nhanh như một lằn chớp.
[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 5 Chương 62: Mảnh vỏ bào Reviewed by Super Ponja on 3/20/2012 Rating: 5
0 Chém

Chúng ta có thể không nói hết những gì mình nghĩ nhưng hãy nghĩ hết trước những gì mình nói!
Nhận xét sẽ bị xóa nếu có những từ ngữ thiếu văn hóa hoặc có ý xúc phạm quá đáng người khác.
Cảm ơn sự hợp tác của các bạn!

All Rights Reserved by Truyện tranh online - vagabondmanga.com © 2012 - 2016

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.