Tân Sói Mang Con - Truyện tranh online - vagabondmanga.com

Top Ad unit 728 × 90

Tân Sói Mang Con

Shin Kozure ōkami ,Tân Sói mang con, manga, lịch sử, truyện tranh, Ko-ike Kazuo,Mori Hideki,

Tên truyện: Shin Kozure ōkami (Tân sói mang con)
Nguyên tác: Ko-ike Kazuo 
Vẽ tranh: Mori Hideki 
Nguyên án tranh: Kojima Gōseki
Người dịch: Phi Lục
Hiệu chỉnh: n4e_e4n
Số tập: 11
Thực hiện bởi VAGABONDMANGA.COM

Các site khác nếu lấy truyện vui lòng giữ nguyên Credit update sau 1 chap, chân thành cảm ơn!

Nội dung và các thông tin liên quan về truyện bạn đọc bài viết bên dưới.

Nghiên cứu lớn về cha con Ogami Ittō và Daigorō

- Để đọc “Tân Kozure ōkami” thêm phần thú vị -

Kozure ōkami, sói mang con, là bộ best seller Manga, chỉ tính trong phạm vi nước Nhật cũng đã bán được 830 vạn bộ, tính luôn con số các bản dịch ở hải ngoại thì lên tới 1180 vạn bộ. Tác phẩm này còn được dựng thành phim điện ảnh, truyền hình không biết bao lần, và mỗi lần như vậy đều gây nên những trào lưu lớn. Không ai là không biết đến cái tên Kozure ōkami, và có thể nói đây là kiệt tác đại diện cho dòng thời đại kịch họa Nhật Bản.

Từ tháng 9 năm 1970 cho đến tháng 4 năm 1976, Kozure ōkami được bắt đầu đăng tải với 142 hồi trong 6 năm. Đến giờ đã hơn 30 năm trôi qua, cùng với các tác phẩm phim ảnh, Kozure ōkami vẫn tiếp tục lôi cuốn thêm nhiều người hâm mộ. Tại sao vậy?

Để đọc tác phẩm này, “Tân Kozure ōkami” thêm phần thú vị, ta hãy thử phân tích sức hấp dẫn của Kozure ōkami ở nhiều góc nhìn khác nhau.

Đoạn cuối kịch tính, Retsudō tự sát!?

Thích khách Kozure ōkami, sói mang con, nguyên là Kōgi Kaishaku-nin của Mạc phủ Tokugawa. Kōgi Kaishaku-nin là 1 trong 3 tổ chức được Mạc phủ Tokugawa khai sinh ra để tự do đẩy các Daimyō vào chỗ đoạn tuyệt, đó là Shikaku-nin (thích khách), Tanshaku-nin (mật thám) và Kaishaku-nin (đao phủ). Nói cách khác, đây là cơ cấu ngầm nâng đỡ thể chế Mạc phiên từ trong bóng tối với quyền lực tuyệt đại. Để thâu tóm hết tất cả quyền lực về tay mình, trưởng họ Ura Yagyū là Yagyū Retsudō, kẻ lắm quyền nhiều mưu, đã sát hại người vợ thương yêu của Ogami Ittō, vấy cho Ittō ô danh phản nghịch. Bên cạnh xác người vợ bị trảm sát thê thảm, Ittō tìm thấy đứa con trai Daigorō vừa mới chào đời, bụng còn chưa đứt dây rốn.

Để trả mối hận thấu xương tận tủy với họ Yagyū, Ittō quyết ý cùng Daigorō bước đi trong thế giới “Minh phủ ma đạo”, nhận làm thích khách nhất sát ngũ bách lượng (giết một mạng lấy 500 lượng).

Những kẻ ám sát họ Yagyū dưới chỉ đạo của Retsudō cũng lần lượt tập kích cha con Ittō. Và đến chương cuối cùng đầy kịch tính, trận huyết chiến giữa Ittō với oán địch Retsudō là một dấu son hoành tráng trong lịch sử Manga. Trò chơi lấy mạng này dừng nửa chừng 2 lần, và kéo dài tận 33 chương cho đến lúc phân định. Hẳn là nhiều độc giả vẫn còn nhớ rõ ràng đoạn cuối, sau khi Ogami Ittō ngả xuống thì Daigorō đâm vào Retsudō.

Phút cuối cùng, Retsudō có nói như vầy “hỡi… cháu ta…” . Lời thoại này gây nên nhiều cảm xúc mãnh liệt cho độc giả, cùng nhiều suy diễn như “lẽ nào Daigorō là đứa cháu rơi rớt của Retsudō!?”. Nhưng kỳ thực, lời nói này có ý nghĩa khác.

Giữa Ittō và Retsudō là mối cừu hận không đội trời chung. Nhưng cả hai sau nhiều lần giao tranh với nhau cũng đều trở nên hiểu nhau, vượt lên trên cả hận thù. Bản thân Retsudō cũng mất hết các con trai, con gái và cả họ tộc. Tất cả đều bị Ogami Ittō chém chết. Đối với Retsudō thì mối quan hệ duy nhất còn lại chính là Daigorō. Cho nên Retsudō buột miệng nói “cháu ta” cũng là điều tự nhiên. 

Vượt qua oán thù, Retsudō trở nên yêu thương Daigorō, nhưng phút cuối lại bị Dagorō đâm. Nhưng thằng bé 3 tuổi làm sao đủ lực để đâm chết đại ma đầu Retsudō. Chính lão đã tự tay ôm chầm Daigorō đang chĩa ngọn giáo gãy về phía mình. Cũng là một cách kết mạc đậm chất cá tính của Retsudō.

Nhận giải Academy trong giới Comic toàn Mỹ quốc

Sự tương khắc giữa cha con Ogami với Retsudō, cái kết hùng tráng không chỉ lay động con tim của người Nhật Bản, mà còn khiến cả Thế giới cảm động. Tác phẩm Kozure ōkami đã được biên dịch ở 9 quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp… và đều đạt kỷ lục best seller tại mỗi nước. Tại hải ngoại, tác phẩm đã đạt kỷ lục với 350 vạn bộ bán ra.

Năm 2001, Kozure ōkami nhận được giải thưởng Academy cho giới Comic toàn Mỹ quốc là “Comic Industry Award”, và liên tiếp nhận giải Harvey vinh dự trong 2 năm, 2001 và 2002. Ngoài ra, bộ phim “Road to Partrition” của Hollywood (Tom Hanks thủ diễn, công chiếu 2002) cũng là tác phẩm được miêu tả với nhiều ý tưởng của Kozure ōkami, cho thấy thế giới quan xuất phát từ Nhật Bản cũng đã tiến xuất sang Hollywood.

Trong nước Nhật, số lần tác phẩm này được bấm máy quay cũng đáng kể. Năm 1972, tập phim “Kozure ōkami Ko wo kashi ude wo kashi tate matsuru” (bản dịch Việt ngữ: “Sói mang con – cho thuê con, nhận giết mướn) của đạo diễn Misumi Kenji và Ko-ike Kazuo viết kịch bản là tác phẩm điện ảnh đầu tiên. Wakayama Tomi Saburō vào vai Ogami Ittō cực kỳ thành công, kể từ đó, 5 tác phẩm khác được chế tác và nhận được nhiều khen ngợi. Đến năm 1993, một tác phẩm điện ảnh khác do Tamura Masakazu thủ diễn cũng được chế tác. Mặt khác, ở mảng phim truyền hình thì năm 1973, bộ đôi Yorozuya Kin-no-suke (vai Ogami Ittō) và Nishikawa Kazutaka (vai Daigorō) đã làm mưa làm gió với tỷ lệ xem đài 16.9%. Chủ đề ca của bộ phim truyền hình này sử dụng bài hát “Kozure ōkami” của Hashi Sachio với đoạn mở đầu “shito shito pitchan~” đã trở thành Hit với kỷ lục 40 vạn đĩa, đến giờ hẳn là nhiều người vẫn còn nhớ.

Kể từ đó, vai Ogami Ittō lần lượt chuyển qua Takahashi Hideki, Kita Ōji Kin-ya, tổng cộng đã có 5 series truyền hình và 2 bản đặc biệt được phát sóng, người hâm mộ hài lòng.

Giải mã bí ẩn trong lời thoại nổi tiếng “sợi dây cha con”

Tại sao đến giờ Kozure ōkami vẫn lôi cuốn nhiều người? Phải chăng đó là hình ảnh mà thời hiện đại đã mất đi, hình tượng người cha = Ogami Ittō dạy dỗ con trai Daigorō trên lưng mình, và đứa con đồng cảm, ngưỡng mộ với lối sống của người cha?

Vậy người cha Ittō đã cho con trai Daigorō của mình thấy “tấm lưng” như thế nào? Thử tìm hiểu từ lời nói mà Ittō để lại cho con trai.

Mắc phải gian kế của Yagyū Retsudō, bị buộc phải mỗ bụng, cha con Ittō mặc tử phục chờ chết, và Ittō đã nói với Daigorō vẫn chưa hiểu được tiếng cha như thế này.

“Cha sẽ vứt bỏ Sĩ đạo (đạo Võ sĩ), sống trong Minh phủ ma đạo, trở thành quỷ sứ để rửa hận cho cả họ tộc Ogami, nhà Kaishaku-nin, báo thù cho mối nhục chịu đựng bấy lâu (giản lược). Từ nay cha sẽ sống trong thích khách đạo, chém giết vô đạo, giữa những xác người và máu thịt!” 

Ittō đã cho con thấy quyết tâm không hề tầm thường, và còn cho Daigorō lựa chọn con đường của mình khi đặt thanh kiếm và quả cầu trước mặt con trai. Daigorō đã chọn thanh kiếm, nghĩa là cha con sẽ cùng nhau sống trong Minh phủ ma đạo.

“Đường đi của từng người khác nhau… Cha con ta có đường riêng của cha con ta. May rủi là việc của vận, tử sinh là chuyện số mạng, đường đi của mình thì tự mình phải mở ra”.

Ittō khi bước chân vào thích khách đạo là đã vứt bỏ sinh mạng của mình. Dạy cho con biết, sau khi cha chết thì phải vượt qua nỗi buồn, tiến về phía trước cũng là nghĩa vụ của người cha.

“Dẫu cho cha có chết, khi con chỉ còn một mình thì hãy nhìn lên mặt trăng. Hãy nghĩ nơi trăng có cha, có mẹ, có con. Hễ con nhìn lên mặt trăng là chúng ta đang ở bên nhau (giản lược). Nếu như cha chưa được nguyện vọng mà trở thành mặt trăng thì con phải kế tục ý chí của ta”. 

Và trước trận đấu cuối cùng với Retsudō, Ittō còn gửi gắm những lời từ thế đến con trai Daigorō. Đó là những câu mạo đầu trong “Vỏ kiếm Jigen (1)” của “tân Kozure ōkami”. 

Bắt đầu từ “Daigorō, sông chảy về đâu” cho đến “Tái sinh ở cuộc đời tiếp theo thì con vẫn là con ta” , “chúng ta là hai cha con vĩnh viễn bất diệt”.

Ogami Ittō là người cha không ngần ngại lợi dụng đứa con để giành thắng lợi trước cường địch. Khiến con mình chết đuối để lừa địch, nhốt Daigorō vào hang tuyết để, lợi dụng con để thắng địch. Sâu trong lòng người cha như vậy là một tình thương yêu mãnh liệt đối với con.

Nguyên mẫu của Daigorō, đứa con của sói

Quyết tâm của Ittō, tình thương đối với Daigorō được thể hiện qua cái tên. Daigorō, Đại Ngũ Lang, nghĩa là “cái tên được đại tự tại bên bờ sanh tử, sống mạnh mẽ như một con con người, chẳng lụy ở 5 cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Tu la và thiên thượng”, là cái tên do chính Ittō đặt cho con, thông đến đại ngộ. 

Thực tế, Daigorō trưởng thành trên lưng cha vốn chẳng phải đứa trẻ 3 tuổi bình thường. Luôn chứng kiến cảnh quyết đấu một mất một còn của cha bên chiếc xe nôi, Daigorō có được sanh tử nhãn, thứ mà ngay cả các cao thủ võ nghệ không hẳn đã hội đắc được. Đó là đôi mắt mà chỉ những kẻ từng vung kiếm mở đường máu ra khỏi tử địa, ra vào nơi chiến trường Tu la đẫm máu biết bao lần mới có được. Và biết được “cha nhận tiền mà chém giết người ta”, Daigorō cũng hiểu rằng “sống hay chết thì chỉ có tự thân mình mới quyết định được” nên đã từ chối lòng thương cảm của địch, hễ nhận thấy sát khí là vung kiếm, và trưởng thành như một con sói con.

Trái ngược với thái độ lạnh lùng trước cái chết, nụ cười thơ ngây của Daigorō cũng làm xao xuyến biết bao trái tim. Thực ra là có tồn tại nguyên mẫu của Daigorō. Đó chính là con búp bê Hakata mà tác giả Ko-ike Kazuo nhận được từ bà mẹ. Con búp bê này được gửi cho họa sĩ Kojima Gōseki, và hình mẫu nhân vật Daigorō ra đời từ đó.

Cái tên Ogami Ittō (Bái Nhất Đao) là lối chơi chữ của tác giả, gần với phát âm của “ōkami ittō” (lang nhất đầu), nghĩa là “một con sói” trong tiếng Nhật.

Vận mệnh của Daigorō còn lại một mình trên chiến trường sẽ ra sao?

Daigorō là hình tượng nhân vật rất được lòng người trong Kozure ōkami, cho nên cả độc giả, cả người xem đài đều tấp nập thắc mắc “Daigorō còn lại sẽ ra sao?”

Nơi diễn ra trận huyết chiến cuối cùng giữa Ogami Ittō và Yagyū Retsudō là bờ sông Hatchō ở Edo. Lo lắng cho an nguy của Retsudō, Tướng quân dẫn theo đám Ngự tam gia, Trực tham, đám quan địa phương kết tập bên kia sông. Mặt khác, đám Tozama Daimyō như nhà Shimazu, vốn căm ghét Retsudō hỗ trợ ngầm cho Mạc phủ cũng kéo đến. Tướng quân muốn bằng mọi giá phải cứu được Retsudō cùng thể chế Mạc phiên. Nhưng đây là trận đấu riêng tư, hễ động binh thì sẽ bại lộ chuyện ưu ái họ Yagyū trước mặt đám Tozama Daimyō. Mặt khác, đối với các Tozama Daimyō này thì Yagyū Retsudō là kẻ thù địch, mấy lần toan tiêu diệt nhà mình. Nhưng nếu hùa theo tội nhân Ogami Ittō thì sẽ bị coi là mưu phản chống lại Mạc phủ…

Hai bên đều chẳng động, hai trận đều ở thế nhất xúc tức phát, chỉ cần chạm một cái là bùng nổ ngay. Trong bầu không khí căng thẳng, Ittō và Retsudō chém nhau thâu đêm, đến sáng thì đều sức cùng lực kiệt, cùng ra người thiên cổ.

Tác phẩm “tân Kozure ōkami” lần này bắt đầu từ cục diện như vậy. Daigorō bị bỏ mặc bên bờ sông Hatchō, sau đó lại kết nối với một câu chuyện hùng tráng khác.

(Trích đoạn trong tạp chí Shūkan Posuto, số ngày 14 tháng 11 năm 2003)



Tân Sói Mang Con Reviewed by Suối nguồn cuộc sống on 11/22/2014 Rating: 5
2 Chém

Chúng ta có thể không nói hết những gì mình nghĩ nhưng hãy nghĩ hết trước những gì mình nói!
Nhận xét sẽ bị xóa nếu có những từ ngữ thiếu văn hóa hoặc có ý xúc phạm quá đáng người khác.
Cảm ơn sự hợp tác của các bạn!

All Rights Reserved by Truyện tranh online - vagabondmanga.com © 2012 - 2016

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.