Sưu tầm về Musashi - Truyện tranh online - vagabondmanga.com

Top Ad unit 728 × 90

Sưu tầm về Musashi

Tổng hợp những bài mình sưa tầm lại từ internet để các bạn tiện theo dõi và hiểu hơn về Miyamoto Musashi

Chủ yếu các bài viết được mình lấy từ Blog cá nhân của anh Như Thị Duyên. Các bạn có thể tìm được nhiều thông tin và bài viết hữu ích khác tại blog này: Vũ Nhân
( Mong anh Duyên có nhiều bài luận giải nữa để em còn hiểu hơn về Musashi TT_TT )

Miyamoto Musashi
Như Thị Duyên dịch, biên soạn từ Wikipedia Japan và nhiều nguồn khác

Miyamoto Musashi (宮本 武蔵, đọc Hán Việt: Cung Bản Võ Tàng) là một kiếm hào Nhật Bản sống vào đầu thời đại Edo. Ông sinh vào năm Tenshō thứ 12 và mất vào ngày 19 tháng 5 năm Shōhō thứ 2 (tức ngày 13 tháng 6 năm 1645). Ngoài việc được đánh giá là một trong những kiếm khách vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản, Musashi còn là một họa sĩ tài hoa, một nhà điêu khắc tầm cỡ và là một nhà tư tưởng lớn được hậu thế biết đến muộn màng. Miyamoto Musashi để lại nhiều tác phẩm về tư tưởng, kiếm thuật và nghệ thuật được các nhà nghiên cứu hậu thế đánh giá rất cao.

Miyamoto Musashi
Chân dung tự họa của Miyamoto Musashi 



Khái yếu

Miyamoto Musashi được biết đến nhiều trong vai trò khai tổ của phái sử dụng song kiếm (Nitō-ryū, Hán Việt: Nhị Đao lưu), phái này có tên là Niten Ichiryū (Hán Việt: Nhị Thiên Nhất lưu). Musashi còn nổi tiếng là một họa sĩ tranh thuỷ mặc, một nghệ thuật gia tài ba.

Họ của ông là Miyamoto (宮本, Hán Việt: Cung Bản) hoặc Shimen (新免, Hán Việt: Tân Miễn) thuộc dòng họ Fujiwara, tên húy là Harunobu (玄信, Hán Việt: Tín Huyễn). Tên thời thơ ấu của ông là Bennosuke (nhiều cách viết: 辨助 , 弁助, 弁之助), hiệu là Niten (Hán Việt: Nhị Thiên), Niten Dōraku (Hán Việt: Nhị Thiên Đạo Lạc). Trong cuốn Gorin no sho do ông soạn lúc cuối đời, Musashi xưng tên mình là Shinmen Musashinokami Fujiwara Harunobu (新免武蔵守 藤原玄信). Trong thư gửi cho vị Daimyō đầu thời Edo là Arima Naozumi, ông xưng tên là Miyamoto Musashi Harunobu, còn trong thư gửi cho Nagaoka Sadonokami, người ta còn thấy Musashi xưng hiệu là Niten. Trên bia mộ ở thành phố Kumamoto thấy có đề “Shinmen Musashi Koji” (新免武蔵居士, cư sĩ Shinmen Musashi), trên văn bia Kokura do dưỡng tử của ông là Iori dựng 9 năm sau khi ông mất thì có đề là “Banshū Akamatsu Matsuryū Shinmen Musashi Harunobu Niten Koji” (播州赤松末流新免武蔵玄信二天居士, cư sĩ Shinmen Musashi Harunobu Niten thuộc dòng họ Akamatsu xứ Harima, tức Banshū). Vào năm 1761, 71 năm sau khi ông mất, trong cuốn “Honchō Bugei Shōden” (tập sách ghi chép chuyện võ nghệ xứ Phù Tang), người ta thấy Musashi còn được đề cập đến với cái tên Masana (政名). Sách này được dẫn dụng nhiều nên cái tên Masana thường thấy xuất hiện trong các loại tiểu thuyết, sách giới thiệu khi đề cập đến Musashi. Tuy nhiên tên này không hề thấy trong bất cứ tư liệu nào của họ Miyamoto ở Kokura và các môn đệ của phái kiếm Niten Ichi-ryū. Ngược lại cũng có ý kiến phủ nhận cái tên Masana bởi vì nó thường xuất hiện trong các loại sách về Musashi không mang tính thực sử.

Miyamoto Musashi nổi danh là kiếm sĩ bất bại trong hơn sáu mươi trận đấu suốt đời mình. Các trận đấu với phái kiếm Yoshioka-ryū và trận đấu với Sasaki Kojirō trên đảo Ganryū được xem là “kinh điển” trong cuộc đời Musashi và đã trở thành đề tài triệt để cho các loại tiểu thuyết, phim ảnh, truyện tranh và trò chơi điện tử trong văn hóa đại chúng. Cuốn Gorin no sho (Ngũ Luân thư) do ông viết vào lúc cuối đời được đánh giá cao trong thời hiện đại. Nó được xem như một cuốn sách triết học về nhân sinh, một cuốn sách chỉ dẫn về thành công trong kinh doanh, thể thao mặc dù chỉ viết về kiếm thuật. Không chỉ riêng trong phạm vi nước Nhật, cuốn sách còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây được tầm ảnh hưởng lớn trên Thế giới. Ông còn nổi tiếng trong vai trò họa sĩ tranh thủy mặc, nghệ nhân tạc tượng, yên ngựa và mộc kiếm. Các tác phẩm của ông để lại như bức tranh chim cốc (Uzu), tranh chim bách thanh hót trên cành khô (Koboku Meigekizu), tranh bồ câu trên cành mơ (Kōbai Hatozu), chân dung Đạt Ma chính diện (Shōmen Darumazu), Đạt Ma vượt sông trên nhành lau (Royō Darumazu), tranh ngựa hoang (Nomazu),…được chính phủ Nhật chỉ định là tài sản văn hóa trọng yếu và vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Musashi và hậu thế sáng tác

Tuy không có tầm ảnh hưởng quan trọng trong dòng chảy của lịch sử nhưng Miyamoto Musashi là một nhân vật kiệt xuất về mọi mặt, trở thành đề tài bất tận cho biết bao sáng tác của người đương thời và hậu thế. Vì là hậu thế sáng tác nên một phần lớn thông tin về Musashi bị sai lệch nhiều trong các tác phẩm này. Có nhiều tác phẩm tuy không mang giá trị lịch sử nhưng lại được quần chúng ái mộ đến độ thông tin trong tác phẩm được số đông tin rằng đó là sự thật. Điển hình cho những tác phẩm này là tập trường biên tiểu thuyết mang tên ông của văn hào Yoshikawa Eiji. Trong tác phẩm, Musashi lúc còn niên thiếu mang họ Shinmen, tên là Takezō và được miêu tả là một nhân vật ngỗ nghịch, bị dân làng căm ghét. Sau được thầy tu Takuan giáo huấn mà cảm ngộ, từ đó lấy tên làng Miyamoto làm họ, đổi tên Takezō thành ra Musashi và quyết tâm làm lại cuộc đời, trau dồi kiếm pháp để lập công danh với đời. “Takezō” và “Musashi” là hai cách đọc khác nhau của cùng hai chữ Hán: 武蔵(Võ Tàng) thể hiện ý đồ chơi chữ của tác giả Yoshikawa Eiji. Tuy nhiên tác phẩm này được đông đảo đại chúng biết đến và đã để lại dấu ấn quá đậm trong lòng người đọc nên rất nhiều sách giới thiệu, chú giải hiện nay đều cho rằng tên thời thiếu niên của Musashi là Takezō.

Trong tác phẩm này, tác giả Yoshikawa còn cho xuất hiện một số nhân vật phụ xoay quanh cuộc đời Musashi như Otsū, Matahachi… và họ đã trở nên quá nổi tiếng, thành ra tuy không tồn tại thực nhưng sự tồn tại của họ lại được rất nhiều người tin tưởng. Như đã thuật bên trên, cái tên Miyamoto Musashi Masana còn xuất hiện nhiều trong các tác phẩm không mang tính thực sử. Một trong những tác phẩm loại này là Kōdan Miyamoto Musashi của diễn giả Itō Ryōchō.

Cuộc đời

Năm sinh

Trong cuốn Ngũ Luân thư, ở phần mở đầu, Musashi viết rằng mình đã 60 tuổi. Tức là đến thời điểm năm Kan’ei thứ 20 (1643) ông được 60 tuổi, từ đó có thể suy ngược ra năm sinh là năm Tenshō thứ 12 (1584). 

Nơi sinh

Trong tác phẩm cuối đời, Ngũ Luân thư, Musashi cũng viết rõ là mình sinh quán ở xứ Harima (Banshū, ngày nay thuộc tỉnh Hyōgo) nhưng trong cuốn địa chí “Tōsakushi” (Đông Tác chí) vào cuối thời Edo có đề ra một thuyết khác là Musashi xuất thân từ làng Miyamoto thuộc xứ Mimasaka (ngày nay thuộc tỉnh Okayama). Cuốn địa chí này làm chỗ dựa cho các thuyết cho rằng Musashi sinh quán xứ Mimasaka, trong đó có bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Yoshikawa Eiji thuật trên. Dựa vào bộ tiểu thuyết này mà ngày nay, thành phố Mimasaka và tỉnh Okayama đều tích cực khai thác du lịch, tự quảng bá là địa phương sản sinh ra kiếm thánh Miyamoto Musashi. 

Các thuyết khác nhau về năm sinh và nơi sinh 

Theo phả hệ của họ Miyamoto ở Kokura được thu thập vào cuối thời Edo (do con cháu của Miyamoto Iori, con nuôi của Musashi viết lại) và cuốn “Miyamoto Uji Seitōki” (ghi chép chính thống về họ Miyamoto) thì Musashi ra đời vào năm Tenshō thứ 10 (1582), tức năm Nhâm ngọ và sống đến năm Shōhō thứ 2. Vì vậy có thuyết chủ trương cho rằng Musashi sinh năm Tenshō thứ 2 chứ không phải thứ 4. 

Sau khi Musashi mất được 9 năm thì dưỡng tử của ông là Iori cho dựng văn bia “cư sĩ Shinmen Musashi Harunobu Nite” (văn bia Kokura) vào năm Jōō thứ 3 (1654) nhằm tán dương công đức của dưỡng phụ. Trên văn bia có ghi rằng cha của Musashi là một võ sĩ họ Shinmen tên Muni. Vì vậy nên có nhiều ý kiến đồng nhất Shinmen Muni với Miyamoto Muninosuke Fujiwara Isshin, một cao nhân phái kiếm Tōri-ryū đương thời.Năm Jōō thứ 2 (1653), Iori cúng dường cho đền thờ Tomari bảng ghi chép năm khởi công và các sự kiện khi xây dựng đền. Bảng này được đóng trên cây xà chính của mái đền và có đoạn ghi rằng ở xứ Mimasaka có người tên Shinmen Muni nhận con nuôi là Musashi Harunobu vào những năm Tenshō. Theo ghi chép này thì Shinmen Muni qua đời tại thành Akizuki nhưng thực tế là nhân vật Shinmen Muni vẫn sống sau thời Tenshō. 

Các ghi chép về Musashi do dưỡng tử Iori để lại đều được những người biết về Musashi đương thời ghi chép lại nên các tài liệu này thường được sử dụng nhiều. Nhưng người ta không tìm thấy nguồn gốc sử liệu của các ghi chép này nên cũng có ý kiến cho rằng liệu Iori đã hiểu về Musashi đến đâu và khi so sánh với các sử liệu tin cậy khác cũng có điểm ngộ nhận rõ rệt. Vì vậy cũng có một phần đông ý kiến cho rằng tư liệu do Iori để lại chỉ mang tính tuyên truyền, quảng bá cho Musashi mà thôi. 

Trong gia phả của họ Miyamoto ở Kokura tập hợp được vào cuối thời Edo cũng có ghi chép rằng Musashi có người cha nuôi là Muni, bản thân Musashi là thứ nam của Tahara Iesada, tổ phụ của Iori. Nhưng trong văn bia Kokura và bảng ghi chép cúng dường cho đền Tomari thì khi viết về bản thân, Iori không hề đả động tới quan hệ máu mủ này. Năm 1762, đại phu Hirano Yōsai có biên soạn cuốn địa chí “Harima Kagami” (tấm gương xứ Harima) gồm nhiều ghi chép về địa danh, phong tục tập quán, chùa chiền miếu mạo, nhân vật trong xứ Harima. Các ghi chép về Musashi trong cuốn địa chí này cũng không hề nhắc tới việc Musashi xuất thân từ họ Tahara. 

Còn dưới đây là một vài bức họa của ngài Musashi:

Tranh của Miyamoto Musashi
Tranh của Miyamoto Musashi
Tranh của Miyamoto Musashi
Tranh của Miyamoto Musashi
Tranh của Miyamoto Musashi
Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi Tranh của Miyamoto Musashi



Gorin-no-sho (五輪, Hán Việt: Ngũ Luân Thư)
KHÁI YẾU

Gorin-no-sho (五輪, Hán Việt: Ngũ Luân Thư) là tên một tập binh pháp thư do kiếm khách Nhật Bản là Miyamoto Musashi biên soạn. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu của ông.

Người ta cho rằng tác phẩm này được Musashi chấp bút trong hang động Reigandō trên đỉnh núi Kimpōzan thuộc xứ Kumamoto trước khi ông mất, trong khoảng thời gian từ năm Kan-ei thứ 20 (1643) cho đến năm Shōhō thứ 2 (1645).

Nội dung của Gorin-no-sho chủ yếu bàn về binh pháp, võ nghệ, kiếm pháp nhưng ngày nay, nó được đánh giá cao ở nhiều phương diện như chiến lược, kinh doanh, giáo dục,... Gorin-no-sho thể hiện quan điểm của Musashi về cách để đi đến chiến thắng trong các trận đấu. Yếu tố này được các doanh nhân hiện đại coi trọng, họ xem đó là một phần kim chỉ nam giúp họ đạt được thành công trong sự nghiệp.

Bản gốc của Gorin-no-sho do Musashi viết đã bị đốt cháy, hiện chỉ còn một số bản sao. Vì bản chính không còn tồn tại mà giữa các bản sao có lại có nhiều điểm dị biệt, và cũng vì tập sách có nhiều ghi chép dựa trên các giá trị quan sau thời của Musashi nên có thuyết cho rằng Gorin-no-sho không phải trước của Miyamoto Musashi mà là tác phẩm của các đệ tử hậu thế rồi gán ghép cho ông.


Một bản sao Gorin-no-sho
Một bản sao Gorin-no-sho 

Ngày nay, sách được dịch và chú giải bằng tiếng Nhật hiện đại và cũng được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác.

Cấu thành

Tên sách, Gorin-no-sho hay "Ngũ Luân Thư", bắt nguồn từ quan niệm ngũ đại trong Phật giáo Mật tông. Sách gồm 5 quyển lần lượt là "địa", "thủy", "hỏa", "phong" và "không".

Địa thư (Chi-no-maki): 

Musashi tự xưng phái kiếm của mình là Niten Ichi-ryū, giới thiệu về cuộc đời và công phu binh pháp của mình. Đương thời, từ "binh pháp" (heihō, hyōhō) được dùng theo cả hai nghĩa là thuật dụng binh và nghĩa võ nghệ, kiếm pháp. Quyển này được đặt tên là "địa thư" dựa trên quan điểm "con đường thẳng thì viết trên mặt đất".

Thủy thư (Sui-no-maki):

Phần này bàn về tâm lý chuẩn bị đối với phái kiếm Niten Ichi-ryū, cách cầm kiếm và nhiều khía cạnh liên quan đến kiếm thuật khác. Quyển này được đặt tên là "thủy thư" dựa trên quan điểm "Niten Ichi-ryū như dòng nước dẫn đường", trong đó thân pháp (Taisabaki), kiếm chiêu (Kensabaki) linh hoạt uyển chuyển như nước chảy.


Hỏa thư (Hi-no-maki):

Phần này viết về thực chiến, cá nhân đấu cá nhân, số đông chọi số đông cũng như tâm lý khi lâm chiến. Phần này được đặt tên là "hỏa thư" dựa trên quan điểm "trận đấu như thế lửa cháy dữ".

Phong thư (Fū-no-maki):

Viết về các môn phái khác. Vì phần này bàn đến chỗ hay dở của từng phái kiếm, từng nhà từng họ nên tác giả chơi chữ đặt tên là "phong thư" vì "phong" còn có nghĩa là phong cách, dạng thứ như "gia phong", "cổ phong"...

Không thư (Kū-no-maki):

Phần này viết bản chất của binh pháp là "không", to lớn quãng đại khôn lường.
Reigan-dō (Linh Nghiêm động), nơi Musashi ẩn dật vào cuối đời và cũng là nơi ông hoàn tất Gorin-no-sho

Phê phán các môn phái khác trong Phong thư

+ Phê phán các môn phái ưa dùng trường kiếm vì không thích hợp khi cận chiến và trở thành bất lợi khi chiến đấu ở nơi chật hẹp. Kiếm sĩ phải từ bỏ tâm lý dựa dẫm vào vũ khí dài.

+ Phê phán các môn phái ưa dùng đoản kiếm, vì đoản kiếm chỉ thích hợp với "hậu thủ" chứ không thể chiếm được "tiên thủ" và đoản kiếm cũng bất lợi khi phải chọi với số đông.

+ Phê phán các môn phái ưa vung kiếm thật mạnh, vì khi ra đòn mạnh thì ta cũng sẽ mất thăng bằng và tăng nguy cơ làm gãy kiếm.

+ Phê phán các môn phái có bộ pháp kỳ lạ, vì nhiều chuyển động quái dị khiến chậm mất nhịp, bị địch chiếm mất tiên thủ và cũng bị giới hạn ở nhiều địa hình khác nhau. 

+ Phê phán các môn phái chấp trước vào thế thủ. Thế thủ là yếu tố căn bản nhưng mang tính phòng vệ, là hậu thủ. Trong thực chiến, để làm địch hỗn loạn, phân tâm thì thế thủ phải mềm dẻo linh hoạt. 

+ Phê phán các môn phái sở hữu tuyệt kỹ bí truyền, vì khi chém nhau trong thực chiến thì không phân biệt tuyệt kỹ hay kỹ thuật sơ bộ, phàm đòn nào đả thương đối thủ đều có giá trị như nhau cả. Khi đào tạo thì cần dựa vào năng lực thực tế của từng cá nhân mà chỉ đạo. 

Từ những điểm phê phán các môn phái khác, tác giả làm rõ tính hữu dụng của Niten Ichi-ryū. 

Thư tịch liên quan 
+ Watanabe Ichirō, "Gorin-no-sho", NXB Iwanami shoten 
+ Sokomoto Hosokawa kehon 
+ Mihashi Kan-ichirō, "Kendō Hiyō", NXB thể dục thể thao, 2002 
+ "Gorin-no-sho", phụ lục "Kendō Hiyō" 
+ Matsunobu Ichiji, "Ketteiban Miyamoto Musashi zensho" 
+ Gorin-no-sho bản chính thức, dịch sang tiếng Nhật hiện đại do Ōkura Ryūji dịch 

BÌNH GIẢI 

Phần bình giải, chú thích về Gorin-no-sho do Hội nghiên cứu Harima Musashi (The Musashi) thực hiện và công bố tại web site: 

Bản quyền của phần nghiên cứu này cũng như các hình ảnh sử dụng trong bài đều thuộc Hội nghiên cứu Harima Musashi. Như Thị Duyên chuyển ngữ sang Việt văn. Phần cước chú đánh số (1, 2, 3,...) do người dịch thêm vào để giúp bạn đọc dễ theo dõi, phần cước chú đánh chữ (a, b, c,...) là dịch từ nguyên bản cước chú của The Musashi. 
Phần nghiên cứu này cũng giới thiệu tất cả các dị bản Gorin-no-sho tìm thấy được và đối chiếu với nhau. 
Để tiện cho bạn đọc tham khảo, đối chiếu thì trong bài dịch Việt ngữ, tôi gõ kèm phần phiên âm tiếng Nhật trước lời dịch Việt văn và chú giải. Phần chữ Kana thì bạn đọc có thể tham khảo tại web site 

Mở đầu 

Phiên âm: 

Heihō no michi, Niten Ichi-ryū to gōshi, sūnen tanren no koto, hajimete shomotsu ni kensan to omoi. Toki, Kan-ei nijū nen, jūgatsu jōjun no hi, Kyūshū Higo no chi Iwato-yama ni nobori, ten wo hai shi, Kannon wo rei shi, Butsuzen ni mukau. Shōkoku Harima no bushi, Shinmen Musashi-no-kami Fujiwara Genshin, toshi tsumorite rokujū. Ware jakunen no mukashi yori heiō no michi ni kokoro wo kake, jūsan sai ni shite hajimete shōbu wo su. Sono aite Shintō-ryū Arima Kihei to iu hyōhōsha ni uchikachi, jūroku sai ni shite Tajima-no-kuni Akiyama to iu kyōryoku na hyōhōsha ni uchikachi, nijūiisai ni shite miyako e nobori, tenka no hyōhōsha ni ai, sūdo no shōbu wo kessu to iedomo, shōri wo ezaru to iu koto nashi. Sono nochi kuniguni tokoro dokoro ni itari, shoryū no hyōhōsha ni yukiai, rokujū yo do made shōbu wo su to iedomo, ichido mo shōri wo ushinawazu. Sono hodo, toshi jūsan yori nijū hachi, kyū made no koto nari. Ware sanjū wo koete ato wo omoimiru ni, heihō shigoku shite katsu niwa arazu. Onozu kara michi no kiyō arite tenri wo hanasazaru yue ka, mata wa taryū no heihō busoku naru tokoro niya. Sono nochi, naomo fukaki dōri wo en to chōtan yūren shite mireba, onozu kara heihō no michi ni au koto, ware gojūsai no hi nari. Soreyori irai wa tazuneiru beki michi nakushite kōin wo okuru. Heihō no ri ni makasete shogei shonō no michi to naseba, banji ni oite ware ni shishō nashi. Ima kono sho wo tsukuru to iedomo Buppō Judō no kogo wo mokarazu, Gunki Gunpō no furuki koto wo mochiizu. Kore ichi ryū nomi tate, jitsu no kokoro wo arawasu, Tendō to Kanzenon wo kagami to shi, jūgatsu tōka no yoru, in no itten ni fude wo totte kaki hajimeru mono nari. 

(Trích đoạn mở đầu trong Gorin-no-sho, Chi-no-maki) 

Dịch nghĩa: 

Ta gọi cái đạo của binh pháp (1) này là Niten Ichi-ryū. Sau mấy mươi năm khổ luyện, đây là lần đần tiên ta định thể hiện nó vào trong sách vở. Lúc bấy giờ là thượng tuần tháng 10, năm Kan-ei (2) thứ 20, ta leo lên núi Iwato xứ Higo thuộc vùng Kyūshū, lễ trời đất, bái Quan Âm, cuối đầu trước chư Phật. 

Ta là võ sĩ xứ Harima (3), Shinmen Musashi no kami Fujiwara Genshin, tuổi đã 60. Ta từ thời trẻ đã để tâm vào đạo binh pháp, tỷ thí lần đầu tiên vào năm 13 tuổi. Lần đó ta đánh thắng đối thủ là Arima Kihei, một binh pháp giả phái Shintō-ryū. Đến năm 16 tuổi đấu thắng Akiyama, một binh pháp giả hùng mạnh người xứ Tajima (4). Năm 21 tuổi ta lên kinh, gặp gỡ nhiều binh pháp giả tiếng tăm trong thiên hạ, cũng đã mấy lần quyết đấu nhưng không lần nào là không giành được thắng lợi. Sau đó ta lang bạt kỳ hồ khắp các xứ, tỷ võ với nhiều binh pháp giả thuộc nhiều môn phái đến hơn 60 trận, nhưng chưa lần nào để mất thắng lợi khỏi tầm tay. Những việc này xảy ra từ năm ta 13 tuổi cho đến năm 28, 29 tuổi. 

Khi quá tuổi 30, ta ngẫm lại thấy rằng mình giành được thắng lợi cho đến giờ không phải vì đã đạt đến chỗ chí cực chí cao của binh pháp mà là vì có thể trời sinh ta đã có chút năng khiếu bẩm sinh ở binh pháp đạo, không xa rời cái lý của tự nhiên, hoặc giả là binh pháp của đối phương các phái đều ở mức kém cõi. Sau đó ta sớm luyện tối rèn hòng đi đến chỗ thâm sâu hơn nữa của đạo lý (đạo binh pháp), khi trạc 50 tuổi thì ta gặp được cái đạo của binh pháp. Từ đó ngày tháng thấm thoát trôi qua, ta không còn phải dò tìm ở con đường nào nữa. Ta dựa vào cái lý của binh pháp, (áp dụng cho nhiều việc khác), tu học theo nhiều (học thuật, kỹ nghệ) khác, chư nghệ chư năng, vạn sự ta đều không cần đến thầy dạy. 

Bây giờ ta viết nên sách này nhưng không mượn các cỗ ngữ trong Phập pháp hay Nho giáo, cũng không dùng những chuyện cũ trong Quân ký, quân pháp (5). Để thể hiện cái tâm chân thật của phái Niten Ichi-ryū này, ta lấy đạo lý trời đất và đức Quán Thế Âm làm tấm gương sáng, đêm mùng 10 tháng 10 hướng về phương Đông Bắc, bắt đầu chấp bút. 

(Ngũ luân thư, địa thư) 



Cước chú:

(1) Binh pháp (heihō, hyōhō): từ này được dùng theo 2 nghĩa là thuật dụng binh và nghĩa thứ hai là kiếm thuật, võ nghệ. Binh pháp giả (heihōsha, hyōhōsha) mang nghĩa kiếm khách, võ sĩ.

(2) Kan-ei: niên hiệu đầu thời Edo, kéo dài từ tháng 2-1624 ~ tháng 12-1644

(3) Harima: địa danh ngày xưa, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hyōgo ngày nay.

(4) Tajima: địa danh ngày xưa, nằm ở phía Bắc tỉnh Hyōgo ngày nay.

(5) Quân ký (Gunki): ký ghi chép về chuyện chiến tranh, cũng là một thể loại văn học thời cổ với đề tài chiến tranh giữa các dòng họ. 

GIẢI THÍCH VỀ TÊN GỌI

Nếu nói đến Miyamoto Musashi là nói đến Gorin-no-sho, nói đến Gorin-no-sho là nói đến Miyamoto Musashi. Ngay cả những người không thể kể tên nổi một tác phẩm trước tác nào của những kiếm khách đương thời khác vẫn biết đến Gorin-no-sho của Miyamoto Musashi. Trong một chừng mực nào đó thì điều này kỳ lạ bởi vì tuy có tiếng tăm như vậy nhưng nó lại trải qua một quá trình lịch sử khá lạ lùng. Gorin-no-sho là cuốn sách giáo khoa về binh pháp do Miyamoto Musashi viết. Tên sách gồm 3 chữ Hán là "ngũ" (go), "luân" (rin) và "thư" (sho) và thêm trợ từ "no" vào trong cách đọc. Nhưng Musashi đã không viết ra tập sách với tựa đề "Gorin-no-sho". Đây chỉ là cái tên hậu thế gán ghép mà gọi chứ thực ra Musashi đã không đặt tên cho tác phẩm của mình như vậy.

Yoshida kehon (Gorin-no-sho bản sao nhà Yoshida), 5 quyển địa thủy hỏa phong không do Terao hiệu đính 

Cái tên "Gorin-no-sho" trở nên thông dụng và phổ biến từ sau thời Meiji, còn từ trước đó cho đến thời Edo thì tác phẩm này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, đại khái như "Gokan-no-sho" (tập sách 5 quyển), "Heihō gokan" (binh pháp ngũ quyển), "chi sui ka fū kū no gokan" (5 quyển địa thủy hỏa phong không),... Trong đó, ở Higo (1) có trường hợp gọi tác phẩm này là "Gorin-no-sho" nhưng cái tên này không được phổ biến, hơn nữa cách gọi "Gorin-no-sho" hạn chế trong một phạm vi rất nhỏ và tác phẩm lúc đó vẫn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau. 

Như nhiều người đã biết, danh tác "Genji Monogatari" (2) của nữ sĩ Murasaki Shikibu có tựa đề như vậy cũng không phải do chính tác giả đặt ra. Đương thời tác phẩm này cũng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như "Genji no monogatari", "Hikaru Genji no monogatari", "Murasaki no monogatari", "Murasaki no yukari no monogatari",.... Đến thời Edo, trường phái Hán học còn gọi tác phẩm này là "Gengo" hay "Shibun". Cho nên, trong cái truyền thống hậu thế tự đặt tên cho sách vở đó thì tác phẩm của Musashi được gọi là "Gorin-no-sho" cũng không phải điều lạ. 

Hosokawa kehon, bản sao của họ Hosokawa
Hosokawa kehon, bản sao của họ Hosokawa 


Vậy tại sao tập sách này lại được gọi là "Gorin-no-sho", vì "địa", "thủy", "hỏa", "phong", "không" là năm nguyên tố cấu thành nên vũ trụ và Musashi đặt tên từng quyển theo tên các nguyên tố này. Nhưng sẽ nói đến ở phần sau, Musashi đặt tên từng quyển theo tên các bộ phận của Ngũ Luân tháp (4) (tháp 5 tầng) có lẽ đúng hơn là theo tên năm nguyên tố vũ trụ. Nói cách khác là Musashi đã xây dựng nên một ngọn tháp 5 tầng bằng 5 quyển trong tập sách. Ngũ Luân tháp là ngọn tháp đá dựng ở mộ người chết, vậy nên chúng ta tiếp nhận di nguyện của Musashi và gọi tập sách này là "Gorin-no-sho"Theo như phần mở đầu của Gorin-no-sho thì ông bắt đầu viết tập sách này vào năm 60 tuổi, vào tháng 10 năm Kan-ei thứ 20 (1643). Khi chấp bút là vào thượng tuần tháng 10, ông lên núi Iwato ở vùng ngoại ô phía Tây Kumamoto cầu nguyện. Nơi đây có Iwato Kannon (Quan Âm Iwato), một nơi linh hiển nổi tiếng của đức Quan Âm và có động Reigan-dō (Linh Nghiêm động). Từ nơi danh thắng này mà hậu thế đã khai sinh ra truyền thuyết Musashi viết nên Gorin-no-sho tại đây.

Nhưng dù sao Musashi cũng đã bắt đầu viết Gorin-no-sho vào tháng 10 năm Kan-ei thứ 20. Hình như bấy giờ ông không ở dinh thự Kumamoto mà ở một biệt trang trong một ngôi làng gần đó. Đến mùa hạ năm sau, niên hiệu Kan-ei 21 (1644, cũng là năm đầu niên hiệu Shōhō) thì Musashi phát bệnh, không còn chấp bút được như ý muốn nữa. Có đại phu được phái đến để điều trị nhưng bệnh tình Musashi ngày càng nặng. Vì điều kiện chữa trị ở biệt trang rất hạn chế nên chúa Hosokawa Mitsunao (5) cùng quan Gia Lão (6) Nagaoka Okinaga cùng quần thần khuyên ông nên trở về Kumamoto nhưng Musashi không đồng ý. Khiến mọi người phải khổ sở một thời gian, mãi đến tháng 11 năm đó Musashi mới được đưa về dinh thự ở Kumamoto.

Có thể Musashi đã chấp bút viết bản thảo trước khi mất nhưng dựa theo sự việc này, từ tháng 10 năm Kan-ei thứ 20 cho đến lúc phát bệnh, tức mùa hè, hay nhiều nhất là mùa thu năm sau thì Gorin-no-sho được viết trong một khoảng thời gian ngắn chưa đầy một năm. Nhất là khoảng thời gian từ sau tháng 11 năm Kan-ei thứ 21, với bệnh tình như vậy thì khó có thể nghĩ rằng Musashi còn có thể viết được.

Nửa năm sau đó, Musashi qua đời vào ngày 19 tháng 5 năm Shōhō thứ 2, nhưng trước khi mất 7 ngày thì có trao lại tác phẩm cho một môn đệ là Terao Son-no-jō. Có lẽ truyền thuyết này phát sinh dựa trên phần ghi chép tên người nhận và thời gian đề ở mỗi quyển trong tập sách. Nhưng từ việc ngoài Terao Son-no-jō ra, không còn ai khác nhận được thì có thể thấy tập sách này chưa hoàn chỉnh thành tập mà chỉ là một bộ bản thảo duy nhất.

Gorin-no-sho vốn là tập sách chưa hoàn thiện. Vậy nên truyền thuyết Musashi dồn hết tâm huyết để viết nên Gorin-no-sho rồi qua đời chẳng qua chỉ là một truyền thuyết vô căn cớ được hậu nhân dựng nên mà thôi.

Cước chú:

(1) Higo: địa danh ngày xưa, ứng với tỉnh Kumamoto ngày nay. Đây là nơi Musashi lưu lại vào cuối đời, được chúa phiên Kumamoto đối đãi.
(2) Genji Monogatari: tập tiểu thuyết gồm 54 cuốn của nữ sĩ Murasaki Shikibu viết vào giữa thời Heian. Đây được xem là danh tác đầu tiên của nhân loại.
(3) Tanji Hōkin Hikki: tập truyện ký về Miyamoto Musashi do Tachibana Minehira viết. Ông này là một trà nhân, đồng thời cũng là kiếm khách phái Chikuzen Niten Ichi-ryū đời thứ 5.
(4) Ngũ Luân tháp (Gorintō): thạch tháp 5 tầng với 5 tảng đá lần lượt chồng lên nhau với hình dạng tứ giác, tròn, tam giác, bán nguyệt và hình bảo châu. Thời Heian, nó tượng trưng cho đức Đại Nhật Như Lai trong Mật tông, sau trở thành tháp thờ cúng người chết, dựng ở nghĩa địa.
(5) Hosokawa Mitsunao: Daimyō đầu thời Edo, chúa phiên Kumamoto đời thứ 2.
(6) Gia Lão (Karō): chức danh cao nhất trong hệ thống cấp bậc bề tôi của các lãnh chúa thời Edo. Chức này thâu tóm, kiểm soát mọi bề tôi của chúa, giúp chúa lo chính sự, thu chi,... Mọi việc trọng đại trong phiên đều qua tay Gia Lão.

Dưới đây là một bài viết bổ sung về phái Nhị Thiên Nhất Lưu do Musashi sáng lập nên:




Tạm kết thôi *có copy thôi mà cũng mệt nữa :-<*


Sưu tầm về Musashi Reviewed by Super Ponja on 11/12/2013 Rating: 5
7 Chém
avatar

Có copy thôi mà cũng mệt nữa>

Trả lời
avatar

Nhòn cái ảnh em cũng đoán được là ai =))

Trả lời
avatar

ac tên Như Thị Duyên là boy à :O =))

Trả lời
avatar

ở việt nam có bản tiếng việt của ngũ luân thư không hả bạn

Trả lời
avatar

Có thể thấy chủ blog rất thích vagabond khi làm hẳn 1 trang blog thế này. Cám ơn bạn đã chia sẻ

ngoài manga, tác giả có làm 2 tập artbook: sumi(tranh trắng đen) và water(tranh màu)rất đẹp. Có thể tìm hiểu mua ở amazon.com. Giá gốc 2 cuốn khoảng 1triêu500k. Ship về VN chắc 2triệu.

Truyện khá bạo lực, và nhiều cảnh 18+ nên có lẽ ko bao giờ đc xuất bản có bản quyền ở VN, hoặc chờ thêm 20-30 năm nữa thì may ra. Có thể đặt mua bản tiếng anh cũng ở amazon.com. NXb viz làm hẳn 1 bộ khổ bự,gộp 3-4 tập vào 1 xem rất là sưóng. GIá thì khá mắc

Trả lời
avatar

(o) Có bản TV và có trên Blog luôn! Đọc tại đây:
http://vagabondmanga.blogspot.com/2012/05/ngu-luan-thu.html

Trả lời
avatar

8-) Về 2 tập sách ảnh thì Blog cũng đã update:Bạn xem tại đây http://vagabondmanga.blogspot.com/p/tai-truyen.html
Truyện ĐÃ ĐƯỢC XB ở VN và dĩ nhiên không có bản quyền, đến tập 25 thì dừng! Hiện tại mình còn giữ được mỗi tập 3 (p)

Trả lời

Chúng ta có thể không nói hết những gì mình nghĩ nhưng hãy nghĩ hết trước những gì mình nói!
Nhận xét sẽ bị xóa nếu có những từ ngữ thiếu văn hóa hoặc có ý xúc phạm quá đáng người khác.
Cảm ơn sự hợp tác của các bạn!

All Rights Reserved by Truyện tranh online - vagabondmanga.com © 2012 - 2016

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.