[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 6 Chương 71: Chim bằng khoe vuốt - Truyện tranh online - vagabondmanga.com

Top Ad unit 728 × 90

[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 6 Chương 71: Chim bằng khoe vuốt

Hôm sau trên đường từ dinh Hosokawa về tư thất, Kakubei dừng lại dưới chân đồi, giao ngựa cho vợ chồng người mã phu già trông giữ. Vợ chồng nhà này không con, ngụ tại căn lều gỗ, sinh nhai bằng nghề cho thuê chuồng ngựa và săn sóc những con ngựa được người thuê gửi ở đấy.


Vừa bước vào cổng, Kakubei đã được lão mã phu lật đật ra đón, ghé tai nói nhỏ:

- Tôn khách biết chuyện chưa ? Tối qua lại có vụ giết người, xác còn nằm ở chân đồi đó !

- Lại trộm chứ gì ! Dạo này trộm cướp ở Edo, chẳng ngày nào mà không có.

- Không biết có phải không, nhưng cứ thế này lão cũng ngại lắm, chả biết có bảo toàn được ngựa cho quý khách không !

Kakubei trấn an:

- Không sao đâu, lão đừng lo ! Nếu xảy ra chuyện gì, cứ chạy lên nhà ta, báo cho Kojiro hiệp sĩ biết. Ông ấy ở không có đến cả năm nay rồi, chân tay ngứa ngáy cứ than thở chẳng có việc gì làm.

- Kojiro hiệp sĩ phải chăng là Sasaki Kojiro ?

- Chính thị. Sao lão biết ?

- Ai chứ Kojiro thì giới Giang hồ lạ gì. Người ta bảo ông ra chiêu xuất quỷ nhập thần. Nhưng chẳng biết có chịu giúp cho những kẻ như nô tài này không ?

Lời ca tụng của người mã phu già khiến Kakubei rất vừa ý. Ai cũng biết một trong những bổn phận của thuộc hạ Ở dinh Hosokawa là phải tìm kiếm và đề bạt những kẻ có tài, nhất là về võ học. Kojiro, người được Kakubei bảo trợ, không những còn trẻ, lại quả có tài. Nếu hắn được kết nạp, chức vụ hiện nay của Kakubei không những coi như vững chắc mà còn hy vọng thăng tiến nữa. Tuy thế, không bao giờ Kakubei tỏ ra vì lợi riêng mà vận động cho Kojiro. Lúc nào hắn cũng nói chỉ vì mong muốn lãnh địa Hosokawa được hưng thịnh và trường tồn mà tha thiết lo tròn bổn phận ấy. Cho nên, nếu Kojiro được mọi người biết đến thì chính là một điều tốt, góp phần vào việc nâng cao giá trị của hắn.

Kakubei bước vào nhà. Thấy Kojiro đang ngồi uống trà, hắn cười hớn hở, chào hỏi xong báo có tin vui, nhưng lại vội vào phòng tắm rửa mặt thay áo đã rồi mới trở ra.

Gọi gia nhân, không ai đáp. Hỏi thì Kojiro nói:

- Hôm qua, vì không có việc gì, thằng bộc xin về thăm mẹ, tại hạ đã cho nó nghỉ. Quái lạ, sao bây giờ vẫn chưa trở lại.

Vì có họ xa với vợ Kakubei nên Kojiro vẫn giữ lễ trong cách xưng hô, tuy nhiên đôi khi hắn cũng tỏ ra lạm quyền như trong vụ cho tên bộc về nghỉ. Kakubei không nói gì. Chắc trong lúc vui, hắn không để ý. Chỉ thấy rót rượu ra hâm, mang lại trước mặt Kojiro rồi cả hai ngồi đối ẩm.

- Hôm nay tại hạ có tin mừng.

- Tin gì ? Kojiro hỏi.

- Như đại hiệp biết, tại hạ nhiều lần đã nêu danh tính đại hiệp ra trước mặt thiếu gia nhưng mãi đến hôm qua mới được ngài lưu ý. Ngài nói mời đại hiệp đến gặp ngài. Thật là một vinh hạnh.

Tưởng như thế cũng đủ để Kojiro vui mừng. Không ngờ hắn chẳng nói gì.
Kakubei bồi thêm:

- Thuộc hạ trong dinh chẳng thiếu. Ai cũng sẵn sàng giới thiệu người của mình, nhưng dường như thiếu gia đã có chủ ý, muốn hội kiến với đại hiệp trước.

Kojiro rót rượu ra chén, đưa cho Kakubei:

- Xin phép tôn huynh, mừng tôn huynh một chung rượu.

- Hà hà ! Mừng đại hiệp mới phải chứ !

Đoạn giơ cao chén rượu lên “khà” một cái cạn chung.

Thấy Kojiro vẫn ngồi im, không đổi sắc mặt, Kakubei thầm khen con người khí phách, biết tiết chế cảm xúc.

Kojiro lại tự rót rượu ra chén, bưng uống. Lát sau mới nói:

- Đa tạ tôn huynh.

- Có gì đâu ! Xin đừng khách sáo. Đối với kiếm sĩ tài ba, tương lai rạng rỡ như đại hiệp lẽ dĩ nhiên tại hạ phải lo tiến cử lên chủ soái. Đó chỉ là bổn phận, còn riêng đối với đại hiệp, đó là nghĩa tương tri. Có gì mà phải bận tâm.

- Tôn huynh quá khen. Xin biết cho, tại hạ chẳng phải vì lương bổng mà muốn phụng thị họ Hosokawa nhưng chính vì lòng ngưỡng mộ người trong họ ấy, là đương kim lãnh chúa Tadatoshi, thân phụ ngài là Hosokawa Tadaoki ...

- Vậy bao giờ đại hiệp có thể vào yết kiến thiếu gia ?

- Lúc nào cũng được.

- Ngay ngày mai được không ?

- Được.

Khí nói chuyện, nét mặt Kojiro bình thản, không lộ vẻ háo hức hay băn khoăn mà chỉ tỏ niềm tự tin vững mạnh lạ lùng.

Kakubei lại tiếp bằng một giọng cố làm ra thản nhiên:

- À, chắc đại hiệp cũng rõ thiếu gia chỉ quyết định thu nạp hay không sau buổi hội kiến và sau khi đã lượng định khả năng. Thủ tục ấy mà, tại hạ tin sẽ không có gì trở ngại.

Đặt chén rượu xuống, Kojiro nhìn trân trân vào mặt Kakubei. Rồi với một vẻ lạnh lùng gần như thách thức, hắn gằn giọng:

- Nếu vậy tại hạ không vào. Rất tiếc đã làm phiền tôn huynh.

Mặt Kakubei đã đỏ vì rượu lại càng đỏ thêm. Những tia máu xung quanh vành tai hắn như sắp nổ tung. Hắn lắp bắp:

- Sa ... sao ? Đại hiệp nói không muốn vào gặp thiếu gia nữa ư ?

- Phải. Tại hạ không thích nữa.

Kojiro chỉ vẻn vẹn nói có thế, không giải thích thêm. Sự bất ngờ và thất vọng làm Kakubei ngồi trơ như phỗng. Hắn nhìn kẻ bảo trợ mà lòng muốn điên lên được, nhưng cố nén tức giận.

Cả hai không nói thêm lời nào. Uống hết chung rượu dở, Kakubei đứng dậy về phòng riêng, quên cả cáo biệt.

Một mình trên chiếu, Kojiro cũng đã say, dựa đầu lên kỷ lặng lẽ cười thầm. Hắn biết Kakubei giận lắm vì đã bị đặt vào một tình thế khó xử. Biết nói năng ra sao với vị chủ soái đây ? Nhưng hắn bất cần. Tuy bảo không quan tâm gì đến lương bổng nhưng thực ra không phải thế. Là một người rất nhiều tham vọng, Kojiro muốn có địa vị và tiền tài càng nhanh càng tốt. Mà ngày nay cách nhanh nhất là bằng lưỡi kiếm. Hắn biết khả năng của mình nên không dễ gì để cho sự khiêm nhượng thao túng. Hắn chỉ làm cao một chút thôi, nhằm mặc cả thêm chút danh vọng, và vì đã dự trù hướng đi của mình từ lâu một cách thông minh và khôn khéo, hắn lùi một bước để tiến hai bước. Kakubei tuy lớn tuổi hơn hắn nhưng còn ngây thơ và dễ xúc động lắm.

Trong cơn say, Kojiro mơ thấy mình đang ngụp lặn trong cảnh vinh quang và tiền bạc như nước.


oo
Phần Kakubei, tuy có cảm tình với Kojiro, hắn cũng không sao ngăn nổi bực mình.

Ngồi trong phòng riêng, sau khi đã tỉnh rượu, Kakubei loay hoay mãi không biết xử trí ra sao. Vấn đề không phải là phải đối phó cách nào với người bà con bên vợ và cũng là kẻ bảo trợ của hắn, nhưng chính là phải giải thích làm sao với chủ soái. Ai cũng biết Kojiro đã được hắn vận động tận tình để được thu nạp vào dinh, bây giờ sự thể thế này, tất nhiên uy tín của hắn không còn nữa.

Là người có óc quyền biến, Kakubei thử phân tích thái độ mới đây của Kojiro và xét thái độ ấy qua một nhãn quan khác. “Có lẽ Kojiro muốn chứng tỏ là một nhân vật đặc biệt chăng ? Địa vị người khác, tất đã nhảy vào nắm lấy cơ hội rồi. Để xem !”. Càng suy nghĩ, Kakubei càng tin Kojiro, tuy kiêu ngạo nhưng là kẻ có thực tài đáng được nâng đỡ. Như vậy thì vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho hắn. Bèn mưu tìm cách khác thuyết phục.

Ngày kế đó, Kakubei ở luôn trong dinh. Sáng hôm sau về nhà, hắn đến gặp Kojiro, tươi cười bả lả như không có chuyện gì xảy ra.

- Kojiro đại hiệp, trong mấy ngày nay, thiếu gia vẫn hỏi thăm tại hạ về đại hiệp. Mỗi đầu tuần thường có cuộc tranh tài bắn cung, sao đại hiệp không đến tham quan, coi xem thuật bắn cung của tộc Hosokawa ra sao ?

Kojiro chỉ mỉm cười không đáp.

- Thiếu gia nghe danh đại hiệp đã lâu. Ngài muốn gặp, đó là việc thường tình, có gì mà phải câu nệ ?

- Đành rồi, nhưng giả dụ ngài không vừa ý thì có phải tại hạ khó xử không ? Nếu bị từ khước, tôn huynh đã biết tại hạ đâu phải hạng người đi hạ mình cầu cạnh ...

- À ra thế. Vậy lỗi ở tại hạ đã không nói rõ. Chuyện ấy không hề có, không bao giờ thiếu gia có ý ấy.

- Ngài đã nói gì ?

- Chưa có điều gì nhất định, nhưng ngài tỏ vẻ sốt ruột ...

Suy nghĩ một lúc, Kojiro đáp:

- Đa tạ tôn huynh giúp đỡ. Tại hạ thật áy náy để tôn huynh phải lâm vào tình trạng như thế này.

- Đại hiệp thử xét lại xem: đến gặp ngài một lần, nếu không bằng lòng thì thôi, ngại gì ?

Kojiro gật đầu:

- Vậy cũng được.

Kakubei mừng lắm:

- Ngay ngày hôm nay, được không ?

- Sớm thế ?

- Hôm nay đầu tuần, có thí võ. Thiếu gia chắc thế nào cũng dự kiến.

- Thí võ lúc mấy giờ ?

- Thường thì vào khoảng sau giờ ngọ.

- Vậy để tại hạ chuẩn bị.

Kakubei ra khỏi phòng, hối hả trở lại dinh. Kojiro tắm xong, chọn mặc một chiếc quần bằng hàng ngoại hóa đắt tiền, một kimono gấm, bên ngoài phủ áo chẽn rộng vai màu đỏ khé, hồ bột cứng, chân đi dép da mới và quấn xà cạp màu vàng nghệ. Thanh trường kiếm dài đặc biệt đeo chéo sau lưng, đoản kiếm giắt ngang hông trông đường bệ, rõ ra một kiếm sĩ phục thị cho một đại gia, lương bổng đồng niên vạn giạ lúa.

Hắn hỏi tên bộc:

- Nhà có sẵn ngựa không ?

- Dạ có, nhưng để ở tàu ngựa dưới đồi.

Xuốn đến tàu ngựa, không gặp lão mã phu. Quanh ra sau lều, thấy đám đông. Hỏi ra mới rõ người ta đang lo việc tống táng cho cái xác vô thừa nhận bị giết hai hôm trước.

Xác còn nằm trơ, mắt mở trừng trừng chẳng ai vuốt, ở cổ vết thương sâu hoắm, máu đọng đen lại. Lão mã phu cũng có mặt trong đám người phục dịch ấy.

Kojiro bước tới vỗ vai lão:

- Ta là khách của Kakubei đại nhân ở trên đồi. Hình như lão giữ ngựa cho Kakubei đại nhân ?

Nhìn cách phục sức của thanh niên kiếm sĩ, lão mã phu cũng một phần đã đoán ra là ai rồi, sợ hãi líu ríu:

- Dạ, dạ.

Đoạn hối hả trở về tàu, dắt ra một con ngựa lông xám tro đốm trắng. Kojiro cầm dây cương, vỗ nhè nhẹ lên bờm ngựa, khen:

- Con này được đấy !

- Dạ. Nó thuộc dòng ngựa hay, đại nhân vẫn thường cưỡi, nhưng hôm nay không hiểu sao người lại chọn con ngựa hồng.

Kojiro gật đầu, nhảy lên yên, rút ra một túi bạc nhỏ, lấy ba đồng ném cho lão và nói:

- Để mua hương hoa, còn thừa giữ lấy !

Ngạc nhiên, lão mã phu hỏi lại:

- Mua hương hoa làm gì ?

Kojiro hất hàm về phía đám đông:

- Kẻ chết đó !

Đoạn giật dây cương phóng đi trong tiếng ngựa hí. Qua khỏi chân đồi Lãm Nguyệt, Kojiro khạc và nhổ mạnh bãi nước bọt để xua đuổi cái cảm giác lợm giọng khi nhìn thấy gương mặt đen xạm của tử thi lúc nãy. Hắn có cảm tưởng cái xác hình như đã cử động trong manh chiếu, đôi mắt trắng dã phóng theo hắn. Kojiro thúc ngựa chạy nhanh hơn.

Đến dinh Hosokawa, trời đã xế trưa, chờ ở nhà khách đã lâu, ngồi đứng không yên, chợt thấy hắn, Kakubei chạy vội ra nắm lấy dây cương, vui mừng nói:

- May quá, đại hiệp đến đúng lúc. Hãy nghỉ một chút chờ tại hạ vào bẩm với thiếu gia.

Rồi gọi gia nhân mang nước thơm để Kojiro lau mặt và một khay thuốc lá đặt lên kỷ. Khi gã hầu cận tới dẫn Kojiro ra thao trường, hắn tháo trường kiếm trên lưng trao cho người hầu cận, chỉ mang theo thanh đoản kiếm giắt ngang hông.

Tadatoshi mải bắn cung. Mỗi buổi tập, ông đã tự hứa bắn hết trăm mũi tên, số tên chưa hết, không ai dám cắt ngang nên Kojiro cũng như mọi người khác, đứng xa xa nhìn.

Tadatoshi dé chân chèo, mặc quần ống rộng chùng đến mắt cá, cánh tay trái để trần cầm cung, tay phải mang bao da, dáng trang nghiêm đĩnh đạt nhưng không gò bó.

Mắt ông nhìn thẳng, mỗi phát tên bắn đi, nhanh và mạnh trúng hồng tâm. Tiếng reo hò của thuộc hạ nghe vang động cả thao trường. Kojiro gật gù tán thưởng, nghĩ thầm: “Thật danh bất hư truyền, không hổ với tổ phụ !”.

Bắn xong trăm mũi tên, Tadatoshi gác cung lên giá. Gia nhân mang nước và khăn lại, thuộc hạ vây quanh thoa bóp tay chân, ông pha trò cười giỡn. Kojiro thấy những điều hắn dự đoán về Tadatoshi sai lạc cả. Có lẽ vì còn trẻ nên vị tiểu lãnh chúa này không có cái phong thái kiểu cách như phần đông các lãnh chúa khác.

Kakubei tiến tới trình điều gì, Tadatoshi khẽ gật. Ông chỉnh lại y phục, đến ngồi dưới lá cờ lệnh của tộc Hosokawa, vẽ huy hiệu một vòng tròn lớn với tám vòng tròn nhỏ bao quanh, tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú.

Kakubei vẫy Kojiro lại gần. Hắn quỳ gối trước mặt vị tiểu lãnh chúa để làm lễ ra mắt rồi được mời ngồi trên ghế đối diện coi như thượng khách.

- Tráng sĩ quê ở Iwakumi ?

- Dạ phải.

- Trước trận Sekigahara, tộc Mitsuhiro ở vùng đó nổi tiếng khôn ngoan, giỏi nghề cai trị. Lệnh nghiêm có phục thị trong tộc đó không ?

- Thưa không. Tiểu nhân nghe nói tiên phụ vì sức yếu nên sớm ở ẩn và quy tiên tại quê nhà.

Sau vài câu thăm hỏi thêm về gia thế, Tadatoshi lại tiếp:

- Nghe nói tráng sĩ muốn phục thị tộc ta. Vì lý do nào lại chọn lựa như thế ?

- Hosokawa là một đại tộc tiểu nhân ngưỡng mộ nên muốn sống chết với tộc ấy. Ngoài ra không còn lý do nào khác.

Tadatoshi gật đầu, xem chừng vừa ý về lời đáp trên.

- Tráng sĩ có những chiêu kiếm nào đặc biệt ?

- Tiểu nhân vẫn thường sử chiêu Trảm Nhạn và Chiết Liễu.

- Trảm Nhạn và Chiết Liễu ? Ta không nghe nói bao giờ !

- Thưa đó là những thế kiếm do chính tiểu nhân phát kiến.

- Đành vậy, nhưng cũng phải có tiền tích ra sao chứ ?

- Tiểu nhân học kiếm Chujo, sau theo Jisai tiên sinh. Những chiêu kiếm học được, tiểu nhân đã tự biến hóa để chém những cánh nhạn bay thấp và chẻ các nhành liễu rũ ở bờ sông.

Tadatoshi gật gù:

- Phải, phải. Tỉnh Suo nhiều không ngòi, chỗ nào cũng trồng liễu. Chắc tráng sĩ luyện kiếm ở một khúc sông gần nhà ?

- Dạ chính thế.

- Ta muốn xem một vài chiêu kiếm của tráng sĩ, được chăng ?

- Xin tuân lệnh.

Tadatoshi quay nhìn thuộc hạ:

- Trong các ngươi, ai muốn so tài với Kojiro tráng sĩ ?

Thuộc hạ Tadatoshi ở thao trường bấy giờ có đến vài chục người. Họ đứng đằng sau ông, chăm chú theo dõi cuộc thẩm vấn, thấy Kojiro còn trẻ, chẳng biết tài năng ra sao nhưng thái độ và ngôn ngữ huênh hoang tự phụ thì có ý ghét. Vài người định bước ra, nhưng Tadatoshi đã chỉ Okatani Goroji:

- Okatani ! Ngươi đắc ý về môn sử thương của ngươi. Hãy chứng tỏ cho mọi người biết.

- Dạ, tiểu nhân sẵn sàng nếu được tráng sĩ đây cho phép.

- Dĩ nhiên, tại hạ rất hân hạnh.

Câu đáp lễ phép nhưng hết sức lạnh lùng. Trong ánh mắt Kojiro, lóe lên một chút tàn ác.

Tadatoshi vẫy tay cho gia nhân dẹp chỗ trong thao trường. Ghế ngồi và các giá binh khí được tạm chuyển đi nơi khác. Không khí đột nhiên căng thẳng hẳn lên. Cuộc thi tài, tuy bề ngoài là một cuộc biểu diễn kiếm thuật, nhưng mặc nhiên, qua thái độ của các đối thủ, có thể sẽ xảy ra rất ác liệt. Thuộc hạ của Tadatoshi chỉ có kinh nghiệm ở thao trường, không mấy khi được dự kiến một cuộc giao đấu như lần này. Sinh mạng đôi bên không còn quan trọng nữa, đối thủ phải trông vào khả năng của chính mình, chỉ trong chớp mắt hoặc một chút lầm lẫn, thân bại danh liệt như chơi. Đâu đây xem chừng đã phảng phất mùi tử khí.

Đám thuộc hạ nhìn Okatani, đặc biệt tin tưởng vào bạn đồng đạo. Okatani lui vào hậu trướng thay áo lót mới theo đúng truyền thống của kiếm sĩ: mỗi sáng và trước mỗi cuộc giao tranh, bắt đầu bằng một nụ cười và y phục tề chỉnh vì đến chiều, chẳng biết hình hài có còn nguyên vẹn hay không !

Phần Kojiro, gã đã nhờ Kakubei mượn cho một thanh mộc kiếm.

Đứng ở góc thao trường, tay khoanh trước ngực, gã nhìn đám người bận rộn xung quanh như chim bằng nhìn đàn quạ. Lòng tự tín của Kojiro có thể nói, gần như vô giới hạn. Thái độ ấy không qua khỏi mắt của một số người và họ thầm lo cho tính mạng của Okatani.

Okatani y phục tề chỉnh, vén màn bước ra khỏi trướng, tay phải lăm lăm cây thương dài non một trượng, tay kia một cuộn vải ẩm. Hắn dừng lại, quấn vải quanh mũi thương sắc như lưỡi chủy thủ và dài có đến ba tấc.

- Các hạ làm gì vậy ? Kojiro hỏi. Nếu sợ tại hạ bị thương thì xin cứ yên tâm. Mũi thương sắc hay nhụt cũng thế thôi, đối với tại hạ chẳng quan hệ gì.

Một lần nữa, trong lời nói lễ độ có hàm ý khinh mạn. Okatani liếc xéo đối thủ, mặt cau lại, dữ dội:

- Chắc không ?

- Chắc.

Tadatoshi và đám tùy tùng không ai nói gì nhưng đưa mắt nhìn Okatani dường như ngầm bảo: “Đã thế thì cứ cho nó nếm thử vài mũi thương trần ...”

Okatani gật đầu, lập tức xoay nhanh cán thương, gỡ lần vải quấn ra.

- Được ! Nếu các hạ muốn. Nhưng hãy dùng thiết kiếm. Tại hạ không muốn một đặc quyền nào.

- Không sao, thanh mộc kiếm này cũng hợp với tại hạ lắm.

- Không. Ta không chấp nhận một cuộc giao đấu chênh lệch như vậy !

- Sao ? Các hạ bắt ta dùng thiết kiếm trước mặt thiếu gia đây hay sao ? Ta là khách, đâu dám vô lễ như thế trước mặt ngài.

- Nhưng ...

Tadatoshi vội xen vào:

- Okatani ! Có ai bảo ngươi khiếp nhược đâu mà phải đắn đo mãi không chiều ý tráng sĩ.

Cả hai đấu thủ bèn bước vào giữa thao trường, cúi đầu trước Tadatoshi tỏ ý tôn kính rồi nghiêng mình nhìn nhau thi lễ. Vừa dứt, Okatani nhảy né sang bên, phóng đầu mũi thương vào gáy Kojiro trong một cuộc tấn công tiên thủ chớp nhoáng. Một tiếng “cắc” khô khan, cây mộc kiếm gạt cán thương bắn lên cao, Kojiro đã tiến sát bên đối thủ. Thừa dịp cánh tay đối phương còn vướng chưa kịp thu về, Kojiro thi triển chiêu: “Chẻ liễu” đưa kiếm phạt chéo ngực Okatani. Nhưng Okatani chẳng phải tay vừa, uốn cong người tránh đòn chí mạng đó rồi lại nhảy sang bên với ý định luôn luôn giữ khoảng cách một ngọn thương giữa hắn và Kojiro. Biết điểm đặc thù này là nhược điểm của lối sử dụ ng trường thương, Kojiro không ngớt khai thác, bỏ lỡ một cơ hội nào mà không tấn công xáp lá cà.

Không để Okatani chiếm ưu thế, hắn nhảy theo bám sát, lúc trước mặt, lúc sau lưng, lúc hai bên sườn, lúc nào cũng sát nách, khiến đối thủ hắn phải cầm ngắn cây thương lại chỉ lo thủ thế. Thành ra cây thương dài một trượng của Okatani hó a vô hiệu, lại còn vướng víu.

Trong khi đó thì Kojiro liên tiếp tấn công như vũ bão bằng kiếm ngắn, thi triển vài chiêu rất ngoạn mục, kể cả chiêu trảm nhạn, khiến Okatani ban đầu còn chống đỡ, sau cứ nhảy lui dần, lui dần. Trông Okatani bấy giờ chẳng khác gì một con chim ưng nhỏ bị chim đại bàng đuổi theo mổ tới tấp.

Chợt một tiếng rắc vang lên, cây thương gãy hai. Mũi thương bắn ra xa, trong tay Okatani chỉ còn một đoạn gỗ ngắn. Cùng lúc, tiếng kêu đau đớn như xé màng tai của gã. Người ta tưởng tiếng rú của kẻ sắp hồn lìa khỏi xác cũng chỉ bi thương và ghê rợn đến thế !

Cuộc so tài ngắn ngủi chấm dứt. Một thuộc hạ khác của Tadatoshi định xách kiếm bước ra nhưng vị tiểu chúa ngăn lại và nói:

- Như vậy cũng đã đủ !

Ông đứng dậy bỏ vào hậu sảnh, nét mặt đăm chiêu, trong khi bạn hữu và gia nhân xúm quanh Okatani xem xét vết thương tìm cách cấp cứu.

Tối hôm ấy, khi Kakubei về nhà, Kojiro hỏi:

- Trước mặt thiếu gia, tại hạ biểu dương kiến thức có quá đáng không ?

- Không. Rất đặc sắc. Ngài rất lưu ý đến kỹ thuật của đại hiệp.

Tuy vậy trong lòng Kakubei hơi khó chịu. Đã biết tài của Kojiro, hắn có cảm nghĩ con chim hắn đang ấp ủ trong tay, sau này có thể trở thành một loài nghịch điểu, biết đâu chẳng gây cho hắn những tai họa bất ngờ.

- Ngài có thể nói thêm gì không, hay chỉ lưu ý đến kỹ thuật của tại hạ thôi ?

- Không nói thêm gì.

- Thôi mà tôn huynh, chẳng nên giấu nhau nữa.

- Ta giấu làm gì ? Ngài chỉ truyền trị thương và săn sóc cẩn thận Okatani mà thôi. Ngài có vẻ xúc động.

Thất vọng, Kojiro ngồi im, lát sau mới nói:

- Thiếu gia xem ra là người có kiến thức và đức độ. Trong tình thế này, nếu cần phụng sự một ai, tại hạ sẽ chọn lựa vị ấy. Nhưng dĩ nhiên, sự quyết định đâu phải ở tại hạ.

Kojiro chỉ nói có thế. Những năm gần đây hắn đã trưởng thành và cả với Kakubei, nhiều khi cũng không muốn tiết lộ hết những suy tư thầm kín.
Theo hắn, chẳng sớm thì muộn, hai tộc Hosokawa và Tokugawa thế nào cũng xung đột, nhất là khi Hosokawa Tadaoki Ở Osaka, tuy bề ngoài làm như ở ẩn nhưng thật ra vẫn chiêu binh mãi mã và thế lực ngày càng bành trướng. Không thể tiên đoán được kết quả ra sao, nhưng có điều những người như hắn, nếu không khôn ngoan mà chọn lầm chúa thì sau này sẽ có thể lại trở thành lang bạt, ăn cơm thí, ngủ đầu hè và sinh mạng nhiều khi cũng không giữ được chỉ vì miếng cơm manh áo.

Hai hôm sau, có tin Okatani đã tỉnh. Nội tạng bị chấn động và xương hông bị giập nát, hắn vẫn còn trong tình trạng khẩn trương nhưng có lẽ không nguy đến tính mệnh. Nghe tin, Kojiro không xúc động. Hắn bình tĩnh tự nhủ nếu sau cuộc thử tài hôm trước không nhận được một chức vụ gì như ý mong ước thì ít nhất hắn cũng đã tạo được danh tiếng.

Nhưng tuần sau, Kojiro ngỏ lời muốn đi thăm Okatani. Rồi không giải thích vì sao lại đột nhiên có lòng tốt như thế, hắn đích thân đến nhà nạn nhân.
Đang nằm dưỡng thương, Okatani cảm động rơi lệ:

- Chiến đấu thì thua được là lẽ thường. Tại hạ sở học còn kém, dĩ nhiên không địch lại được các hạ, đâu dám phiền trách. Các hạ đến thăm thật quý hóa. Xin đa tạ !

Kojiro ra về rồi, Okatani còn tỏ lòng ngưỡng mộ, nói với người thân:

- Trước ta tưởng hắn chỉ là một tên hợm hĩnh, nham hiểm, không ngờ cũng là tay khá, có tài và nhã nhặn.

Đó là phản ứng Kojiro đang mong đợi. Điều đó, hắn cũng đã xếp đặt sẵn trong kế hoạch: làm cho kẻ thua hắn phải ca ngợi hắn để danh hắn được vang động Giang hồ và ảnh hưởng thuận lợi đến quyết định của Hosokawa lãnh chúa.
Mấy ngày sau, Kojiro lại đến thăm Okatani. Một lần còn sai gia nhân mang đến tặng một con cá tươi lớn.
[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 6 Chương 71: Chim bằng khoe vuốt Reviewed by Super Ponja on 3/20/2012 Rating: 5
0 Chém

Chúng ta có thể không nói hết những gì mình nghĩ nhưng hãy nghĩ hết trước những gì mình nói!
Nhận xét sẽ bị xóa nếu có những từ ngữ thiếu văn hóa hoặc có ý xúc phạm quá đáng người khác.
Cảm ơn sự hợp tác của các bạn!

All Rights Reserved by Truyện tranh online - vagabondmanga.com © 2012 - 2016

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.