[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 2 Chương 18: Tiếng sáo - Truyện tranh online - vagabondmanga.com

Top Ad unit 728 × 90

[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 2 Chương 18: Tiếng sáo

Về phòng trọ, Jotaro đến trình diện sư phụ. Những vết xây xát ngang dọc trên mặt làm nó đau lắm, nhưng Jotaro gan không than thở, chỉ móc trong bọc lá thư đưa cho Musashi:

- Thưa thầy, có thư phúc đáp.
Jotaro kể lại vắn tắt chuyện gặp Shoda, nhưng không đả động gì đến vụ vật nhau với con chó. Trong khi nói, những vết thương trên mặt nó căng ra, rướm máu. Musashi nhìn Jotaro trừng trừng nhưng thấy nó không kêu ca hay giải thích nên cũng không hỏi. Hắn bảo học trò xuống nhà dưới rửa mặt rồi vội vàng mở thư ra đọc.
Đến cửa bếp, Jotaro gặp Kocha. Nhìn mặt Jotaro, Kocha ngạc nhiên:
- Ủa, sao vậy ? Lại nhảy vào bụi gai bắt chim phải không ?
- Không. Chó cào !
- Chó cào ? Chó nào vậy ? Trêu nó hả ?
- Chó trong vườn sau Đại lâu.
- A ...con chó đen phải không ? Dữ lắm, sức anh sao địch được nó. Trước đây có tên trộm vào rình rập trong vườn bị nó cắn suýt chết đấy.
Kocha dẫn Jotaro ra suối, ân cần vã nước lạnh lên mặt rửa các vết thương cho nó rồi đưa vào phòng kho bảo ngồi ở chân đống rơm đợi ả đi lấy thuốc. Thuốc bôi xong, mặt Jotaro trông nhem nhuốc như con gà bôi phẩm. Không nín được cười, Kocha quay đi lấy tay che miệng, sau nghĩ sao lại ngồi bên cạnh Jotaro, dịu dàng cầm tay nó đặt vào tay mình.
Một cảm giác ấm áp truyền từ cô bé sang làm Jotaro thấy dễ chịu. Nó đỏ bừng mặt nhìn người bạn gái mới. Ngoài kia, ánh nắng ửng lên, chan hòa trên những cánh hoa đào bắt đầu nở rộ.
Tối hôm ấy, Musashi đóng cửa ngồi một mình trong phòng không nói với ai lời nào. Đến đêm, hắn cũng không ngủ, nằm yên mắt dán lên trần nhà, suy nghĩ lung lắm. Jotaro co ro trên chiếc chiếu ở góc phòng, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn trộm sư phụ, tự hỏi không biết ông có rõ chuyện mình bị chó cào không ! Nó cũng nghĩ lan man, vừa tức giận và có ý trả thù con vật, vừa vui thích khi tưởng đến chuyện ngồi bên Kocha trong gian nhà kho, rồi cơn buồn ngủ kéo đến làm nó thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy, Jotaro đã thấy sư phụ ngồi một mình uống trà bên cửa sổ, mặt lầm lì, dáng tư lự. Nó len lén đi ra ngoài hiên thì Musashi gọi giật lại.
Ruột thót lên cổ, Jotaro chắc phen này bị mắng hoặc phải đòn, nhưng không, thầy nó chỉ sai đi gọi chủ quán để tính tiền và bảo sửa soạn để buổi chiều lên đường. Jotaro thở phào, vui vẻ chạy ra cửa.
Trời vừa ngả bóng, thầy trò Musashi đã sẵn sàng. Chủ quán đứng đợi tiễn khách trước cổng. Ông cảm thấy quyến luyến và có cảm tình đặc biệt với người khách trọ trẻ tuổi trang nghiêm và hào sảng tuy khách mới ở được non một tuần.
Đi một lúc, Musashi linh cảm có điều gì khang khác, quay lại quả nhiên không thấy Jotaro đâu. Hắn lên tiếng gọi, không ai trả lời, bèn trở lại quán thấy tên tiểu đồ đang bịn rịn từ biệt cô hầu nhỏ. Musashi quắc mắt, sẵng giọng:
- Jotaro !
Jotaro líu ríu theo thầy, trong khi cô bé quay đi kéo vạt áo chùi mắt.
Khỏi làng được một quãng, Musashi hỏi đồ đệ:
- Còn xa không ?
- Thầy đi đâu ?
- Đến Đại lâu.
- Ta ngủ đêm ở đó hả thầy ?
- Không chắc. Ta được mời đến đó bữa nay. Ngủ đêm ở đó hay đi đâu còn tùy, sẽ liệu sau.
- Vậy gần tới rồi. Cái cổng lớn đằng kia là cổng Đại lâu đấy.
Musashi đến trước cổng. Những tảng đá lớn dưới chân cổng loang lổ rêu xanh, rặng tre già mọc sát bờ lũy rì rào, kẽo kẹt, vài vạt nắng chiều còn thoi thóp đọng trên những ngọn cây cao. Chiều rồi. Buổi chiều êm đềm trong một thung lũng cô tịch. Có ai mới lên đèn trong căn nhà gỗ nhỏ phía bên kia cổng dùng làm điếm canh. Musashi lên tiếng gọi. Khi người lính tuần cầm giáo ra mở cổng, Musashi trao thư cho hắn và xưng danh:
- Tại hạ là Musashi, được mời đến gặp vị chấp quản. Xin báo cho biết tại hạ có mặt ở ngoài này.
- Dạ. Tiểu tốt đã được lệnh đón đại hiệp ở đây. Xin mời đại hiệp vào.
Thầy trò Musashi theo chân người lính tuần qua nhiều dãy hành lang đến một căn phòng rộng. Trong ánh chiều chập choạng, hắn để ý các phòng dọc theo hành lang, phòng nào cũng kê đầy những kệ sách. Chắc không phải chỉ là binh thư, kiếm phổ vì làm gì mà nhiều đến thế, mà còn đủ loại sách khác. Nhìn cách trần thiết trang nhã, cổ kính; những lối đi, vườn tược gọn gàng cùng phong cách khiêm cung của lính tuần, hắn thấy chủ nhân là người ưa nếp sống thanh đạm, những người chung quanh ông hẳn không đến nỗi thô lỗ. Mặc dầu nhà Yagyu nổi tiếng về kiếm thuật nhưng bản chất dân Trúc Lâm, nhất là ở Đại lâu này, hẳn là bản chất hiếu hòa, ưa đọc sách hơn dùng kiếm.
Musashi cởi dép bước vào phòng ngồi đợi trong khi người lính dẫn Jotaro đến một phòng khác ở vườn sau và đi thông báo cho Shoda biết.
Căn phòng rộng trần thiết đơn giản, ngọn đèn lồng không đủ soi sáng hết mọi phía. Trên tường đối diện cửa sổ treo một bức cổ họa vẽ một người ra vẻ đạo sĩ đang múa kiếm dưới trăng, bên dưới đặt một bình hoa nhỏ, men xanh da rạn cắm độc nhất bông hồng trà mới nở. Trong cái khung cảnh khắc khổ của gian phòng, có lẽ bông hoa này là vật duy nhất mang lại đôi chút vui tươi cho tân khách. Ngoài hiên, dưới ánh đèn đá thấp, rặng tử thảo đã nở hoa, màu xanh tía thẫm nhạt chen nhau, hương tỏa nhẹ nhàng ngây ngất. Musashi giật mình nghe tiếng ếch kêu, tiếng ếch đầu mùa báo hiệu mùa mưa sắp tới. Hắn lắng tai chờ nó kêu nữa, nhưng không nghe động tĩnh gì, chỉ thoảng như có nước chảy ở quanh nhà. Tiếng róc rách nhẹ lắm, nghe rất xa mà đôi lúc lại thật gần như ngay bên vách tường hay dưới chân. Một cảm giác mát rượi, thoải mái bao quanh lấy hắn, nhưng trong thâm tâm hắn bồn chồn lo ngại. Không biết đấy có phải là phản ứng mãnh liệt do bản chất hiếu chiến của hắn phát ra cả trong những lúc yên ổn như thế này không. Hắn nhớ đến nhà sư già mày trắng, cố giữ cho lòng bình thản nhưng vẫn không dằn được, đảo mắt nhìn quanh. “Yagyu là kiếm sĩ, ta cũng là kiếm sĩ. Yagyu giàu kinh nghiệm nhưng già rồi, chưa chắc ăn đứt được ta. Hãy thử. Kiếm học nhà Yagyu chỉ có ta mới lượng định được !”.
- Tráng sĩ tha lỗi, để người phải chờ, thật đắc tội !
Shoda Kizaemon vừa bước qua cửa đã cúi đầu thi lễ và xin lỗi ngay, theo sau là Murata và Kimura. Giới thiệu xong, vừa an tọa thì kẻ hầu đã bưng rượu ra. Rượu sa-kê cất ngay tại trong cốc, không được trong lắm nhưng vị đậm mà êm, lại được rót vào bát sành theo kiểu xưa, mới hâm nóng nên hương tỏa ngào ngạt. Shoda vui vẻ:
- Ở chốn thôn dã hủ lậu, chẳng có gì đặc biệt khoản đãi, xin tráng sĩ vui lòng dùng tạm.
Musashi tươi cười đáp lễ. Hắn cảm ơn, nâng bát uống cạn. Tuy thích sa-kê nhưng không phải là tay sành rượu, hắn không thưởng thức được hết hương vị đậm đà của thứ danh tửu này cất ngay tại cốc bằng chính gạo nếp và nước suối địa phương.
Mỗi người rót mừng một bát, Musashi trong người nóng ran, sự dè dặt ban đầu bớt đi nhiều. Kimura gật gù:
- Các hạ tửu lượng thật hào ! Hôm nay gặp nhau hãn hữu lắm đấy, xin uống say, đừng vì sơ kiến mà e ngại.
Rồi nghiêng đầu lại gần Musashi:
- Các hạ có biết ai cắt nhành mẫu đơn ấy không ? Chính Muneyoshi lão nhân gia đó!
Musashi đập tay lên đùi cười lớn:
- Biết ngay mà ! Tại hạ đoán không lầm. Thật là tuyệt diệu !
Murata chen vào:
- Có điều bọn tại hạ không hiểu tại sao các hạ phân biệt được nhát kiếm đó với nhát kiếm của những người khác. Xin nói rõ được chăng ?
Musashi đáp cầm chừng, vì thật ra hắn cũng không hiểu tại sao hắn nhận ra điều ấy nữa:
- Vậy hả ? Các vị không rõ thật ư ?
- Dĩ nhiên. - Shoda tiếp theo - Tại hạ không thấy gì đặc biệt trong vết cắt, nhưng các hạ đã phân biệt được hẳn phải có con mắt chẳng tầm thường. Dám xin chỉ cho biết rõ.
Musashi nâng bát rượu lên uống một hớp, mắt đăm đăm nhìn về phía trước, lúc sau mới đáp:
- Cũng chẳng có gì lạ, chỉ nhờ may mắn ...
- Xin đừng quá khiêm ! Bọn tại hạ ngưỡng mộ tài năng các hạ, mời đến đây, chớ nên giấu diếm.
- Tại hạ quả không dám giấu, có lẽ nhờ trực giác nên trong một phút xuất thần, cảm quan ...
Ba người kia lắc đầu tỏ vẻ không tin. Là những tay giang hồ nhiều kinh nghiệm và có nhiệm vụ bảo vệ cốc khi hữu sự, làm sao họ có thể tin dễ dàng như vậy được. Huống chi cả ba đã ngầm ý quan sát và phân tích con người cùng sở học của Musashi.
Họ để ý đến dáng điệu quê kệch khi hắn cầm bát, lối giơ tay chùi mép sau mỗi lần uống, những cử chỉ tuy nhỏ nhặt nhưng tố giác gốc nông dân của hắn. Điều làm họ ngạc nhiên là không hiểu võ công Musashi ra sao mà hắn có một trực giác bén nhậy và những nhận xét tinh tế đến thế ! Murata đã ngà ngà say, không còn giữ gìn nữa:
- Cảm quan gì ? Tại hạ biết được không ?
- Đã gọi là trực giác thì cảm hoặc không cảm, thế thôi ! Làm sao giải thích ? Điều này bất khả ngôn truyền, chỉ so kiếm mới rõ, không có cách gì khác !
Shoda nhìn hai bạn đồng bối. Tuy không nói toạc ra nhưng lời vừa rồi của Musashi rõ ràng ngụ ý thách thức.
Cả bốn người ngồi im như tượng. Ngọn đèn dầu thông tỏa khói đen đặc quánh bốc thẳng lên cao trong bầu không khí ngột ngạt. Một tiếng ếch kêu từ ngoài vườn vọng vào, cô độc và tắc nghẹn.
Shoda là người đầu tiên cười lớn, phá tan bầu không khí yên lặng căng thẳng đó:
- Hà hà ...phải lắm ! Các hạ nói rất phải ! Làm sao truyền thụ được !
Rồi lái sang chuyện khác. Họ đàm luận về võ công, thiền học, kể lại những trận chiến danh tiếng họ đã tham dự như trận Sekigahara trước đây. Musashi ngồi nghe chỉ ừ hữ cho qua. Chưa say lắm, hắn vẫn còn đủ khôn ngoan không để lộ những thành tích của mình:
trong trận ấy, hắn chỉ là tên lính quèn trong hàng ngũ đối địch với nhà cầm quyền và thua trận. Vả lại mục đích của Musashi không phải đến đây đàm luận những việc đã qua. Hắn cần gặp Yagyu Muneyoshi. Thời gian đi mau, hắn biết nếu không gặp lão đêm nay thì không bao giờ còn hy vọng nữa.
Shoda gọi gia nhân mang cơm và thức ăn ra. Bữa rượu gần tàn, đêm đã khuya mà hắn vẫn chưa tìm được cách gì làm cớ ra mắt Yagyu Muneyoshi. Thất vọng, Musashi mượn chén nói nhiều câu khích bác với ý định chọc giận Shoda, Murata và Kimura nhằm gây náo loạn, nhưng ba người chỉ cười không để ý. Vô kế khả thi, hắn đứng dậy đến gần cửa sổ. Gió mát bên ngoài thổi lên da mặt nóng và ẩm mồ hôi của hắn, Musashi thấy dễ chịu tỉnh táo hơn.
Đột nhiên có tiếng chó sủa về phía vườn sau, trước còn rời rạc sau mau dần làm mọi người chú ý. Kimura đưa mắt nhìn Shoda:
- Shoda huynh có nghe thấy gì không ?
- Có. Tiếng con Ta-rô. Không hiểu chuyện gì mà nó sủa dữ thế !
Ta-rô là tên con chó mực mới hôm qua đè Jotaro xuống, cào nó sướt cả mặt, nếu không có gia nhân trong cốc chạy đến cứu kịp thì nó đã bị thương nặng rồi.
Tiếng chó sủa mỗi lúc một dữ dội, tru lên từng hồi dài, báo hiệu có người rình rập.
Dạo này trong cốc không được yên, tuy đa số những phần tử phản loạn đã bị dẹp gần hết, nhưng thỉnh thoảng một vài tên thảo khấu vẫn đi lại dòm ngó, nhất là nhà Yagyu vốn có tiếng là một địa phương trù mật.
Shoda, Murata, Kimura nhìn nhau, vẻ bồn chồn lộ ra mặt. Kimura đề nghị:
- Để tiểu đệ chạy ra xem ...
Hai người kia gật đầu, nhưng ngay sau khi Kimura vừa bước ra khỏi cửa, tiếng kêu của con chó vang lên ghê rợn, tiếp theo là một tràng hú dài, vài tiếng ằng ặc rồi im hẳn.
Shoda nhìn Musashi:
- Nó chết rồi !
Không giữ được kiên nhẫn, Shoda phất tay áo đứng dậy:
- Ta phải ra xem sao. Mutara huynh ở lại tiếp khách.
Musashi vội ngăn lại:
- Khoan ! Tên tiểu đồ của tại hạ còn ở phòng sau không ?
Không ai biết. Murata chạy vội ra ngoài và trở lại ngay nói thằng bé không còn ở đó nữa. Musashi quay sang Shoda:
- Tại hạ đã hiểu đôi phần. Xin cùng đi được không ?
Shoda không đáp, chỉ gật đầu bước vội ra cửa, theo sau là Murata. Gần đến khu vườn cạnh võ sảnh, một đám đông tụ họp lố nhố, người gậy kẻ đuốc, chỉ trỏ hò hét inh ỏi. Vài kẻ ở trần, chưa kịp cả mặc áo.
Đứng ngoài, Musashi nghểnh cổ nhìn vào, ruột thót lại. Đúng như hắn dự đoán, thằng Jotaro học trò hắn, mặt mũi bê bết máu, đương ngồi thở hổn hển trong vòng, tay lăm lăm thanh gươm gỗ. Ta-rô, con chó đen, nằm chết bên cạnh, mắt mở trừng trừng, một dòng máu lẫn rớt rãi rỉ ra từ mõm. Dưới ánh đuốc bập bùng, khói nhựa thông đen cuồn cuộn, trông Jotaro thật ghê sợ. Chó và người, máu với đất quện đầy mình không khác gì hai con quỷ mới ở âm ty chui lên.
Có giọng nói lớn át cả mọi tiếng ồn ào:
- Súc sinh ! Ngươi giết chó của lão nhân gia, ngươi phải đền mạng !
Ai nấy la hét:
- Đúng ! Đúng ! Bắt nó ! Đừng để nó chạy thoát !
Như được kích thích, kẻ vừa nói lập tức nhảy vào giơ tay chộp thằng bé. Nhanh như cắt, Jotaro lăn một vòng, người kia vồ hụt ngã sóng soài. Mọi người cười ồ. Không khí nửa bi nửa hài, cảnh đốt đuốc làm tội phạm nhân ở ngục A Tì chắc cũng chỉ đến thế!
Jotaro chạy đến dựa lưng vào gốc cây, một tay giữ ngực, tay kia cầm kiếm giơ lên chùi máu trên mặt, giọng đứt quãng:
- Phải ...Ta giết ...ta giết đấy !
- Sao ngươi giết nó ?
- Trả thù !
Mọi người ồ lên một tiếng ngạc nhiên. Không ai trả thù chó bao giờ, huống chi con Ta-rô này là chó quý, loại rặt giống chó săn do chính tay Yagyu cốc chủ giao cho hai tên túc vệ săn sóc. Bây giờ chuyện xảy ra như thế này, hai tên kia thoát sao khỏi bị trừng phạt.
Người lính ngã lúc nãy đã đứng dậy. Cơn giận nổi lên, mắt đổ hào quang, hắn vung nắm đấm thoi vào mặt Jotaro. Jotaro né, nhưng lần này tránh không kịp, quả đấm trúng vào vai. Nó ngã ngồi, bậm chặt môi giữ cho khỏi khóc.
Jotaro ngạc nhiên hết sức. Trong thâm tâm nó, hành động trả thù con chó rất là tự nhiên và chính đáng:
con vật đã cào rách mặt nó. Đối với một kiếm sĩ, đấy là một việc làm tổn thương đến danh dự, phải có phản ứng. Mà phản ứng thích đáng nhất, theo nó, là giết con vật. Không biết sao người lớn không hiểu chuyện ấy, đã không giúp nó thì thôi, lại còn tìm cách hành tội nó. Jotaro là một đứa trẻ liều lĩnh và bướng bỉnh, điều gì nó cho là phải, nó giữ vững, nhất định không chịu nhượng bộ.
- Ta không làm gì quấy, nó cắn ta, ta phải trả hận.
Người lính hét:
- Súc sinh ! Câm mồm ! Ngươi là con nít mặc kệ ngươi ! Ngươi giết chó của lão nhân gia, ta phải bắt ngươi trị tội !
Hắn đảo mắt nhìn quanh. Có kẻ gật đầu, có kẻ bàn bạc, tiếng ồn ào càng lớn. Xuất kỳ bất ý, hắn giơ tay chộp lấy vai thằng bé xách lên. Jotaro vùng vẫy, tay chém chân đạp lia lịa. Bọn Shoda cảm thấy bất nhẫn, nhưng vẫn đứng yên không can thiệp. Người lính xách Jotaro quay mòng mòng một vòng rồi vứt nó đánh bịch xuống đất. Jotaro ngã lăn ra. Nó lồm cồm bò dậy. Vừa nhục vừa tức, mặt nó xám lại. Người lớn, khi tức giận, còn có thể suy nghĩ hơn thiệt, dằn cơn tức để tìm cách đối phó sau; nhưng trẻ con lúc giận lên thì ngay đến mẹ nó cũng không sao bảo được. Dáng điệu Jotaro lật đật trẻ con, nhưng mắt nó bây giờ không còn là mắt trẻ con nữa. Lòng căm thù hừng hực, nó gầm lên man rợ tựa con thú bị thương dồn vào đường cụt, cong mình nắm chặt đốc kiếm gỗ, quyết chống cự đến cùng:
- Này bắt ! Vào đây bắt đi !
- Á à ! Thằng này giỏi. Ta giết ngươi như giết chó !
Dứt lời, gã đưa gây đập xuống. Miếng đòn ấy nếu trúng Jotaro thì đã rồi đời thằng bé, nhưng theo phản ứng tự nhiên, nó giơ kiếm lên đỡ. Rắc ! Thanh kiếm gãy làm hai, tung lên trời. Jotaro thấy người lính nhào về phía trước, bèn thuận đà nhảy phắt lên lưng gã, chân quặp vào hai bên sườn, răng cắn vào cổ áo, còn hai tay thọc mạnh vào nách người lính. Thế đánh bất ngờ này khiến người lính lúng túng, đánh rớt cây gậy, còn Jotaro như con rắn lục bám vào cành cây, giữ chắc, những ngón tay móng sắc nhọn cào như điên vào nách kẻ địch. Musashi ở vòng ngoài, cho đến bây giờ vẫn khoanh tay bất động. Một kẻ khác trong đám đông nhảy vào, giơ gậy định phang sau lưng thằng bé. Musashi liếc mắt trông thấy, quát lớn:
- Hèn !
Lập tức tung mình nhảy qua đầu những người đứng xem vào giữa vòng chiến.
Ngọn cước đặt đúng chỗ của hắn làm tên đánh lén bắn ra ngoài. Musashi nắm lấy áo Jotaro kéo ra, tiện chân đạp người lính ngã sấp. Jotaro mừng rỡ kêu lên:
- Thầy !
Hai tay Musashi đỡ đồ đệ lên cao khỏi đầu. Dưới ánh đuốc đã lụi, giọng hắn sang sảng hướng về phía tên lính:
- Ta đứng ngoài kia quan sát chuyện này từ đầu. Thằng bé là đồ đệ ta, nếu ngươi muốn gì phải hỏi ta trước !
Người lính đứng dậy, giọng vẫn còn hách dịch:
- Vậy tốt ! Ta bắt cả hai thầy trò ngươi.
- Được ! Bắt thằng bé này trước !
Musashi rỉ tai Jotaro:
“Giơ chân phóng vào ngực nó” đồng thời tung Jotaro đến trước mặt tên lính. Mọi người kêu lên kinh hãi. Họ chưa từng bao giờ thấy ai liều lĩnh đến thế:
dùng người làm võ khí, nhất là người đó lại là một đứa trẻ. Nhưng chưa kịp hoàn hồn, họ đã nghe đánh “hự”, người lính ngã ngửa về đằng sau. Jotaro dội ngược lại, lộn hai vòng rồi như quả bóng, lăn vào các lùm cây rậm rạp.
Diễn biến đột ngột làm mọi người sửng sốt. Không ai chú ý đến Jotaro nữa và đều quay lại nhìn Musashi:
- Thằng này là ai ?
- Đứa nào vậy ? Nó đến đây làm gì ?
- Thằng điên hay quân cường đạo ?
Không ai biết gốc tích Musashi và tại sao hắn có mặt trong cốc trừ Shoda, Murata và Kimura. Bọn gia nhân vây xung quanh hò hét, tay hờm sẵn đốc kiếm.
Nhưng Musashi vẫn điềm tĩnh như không. Giữa những tiếng chân huỳnh huỵch của bọn người mang thêm đuốc chạy tới, hắn giơ tay, mặt đanh lại, nghiêm trọng:
- Đồ đệ ta có lỗi, ta chịu trách nhiệm. Thầy trò ta sẵn sàng chịu lỗi, nhưng ta cảnh cáo các ngươi biết chúng ta không để các người giết như giết một con vật ! Nào, ai muốn bắt ta, vào đây !
Mọi người cùng ồ lên một lượt. Họ không ngờ tên này khùng đến thế. Thay vì nhận lỗi, hắn lại lên tiếng thách thức. Giá hắn chịu nhún một chút có lẽ cũng xong vì dù sao hẵn cũng là khách, Shoda sẽ bỏ qua và chuyện sẽ không đến tai cốc chủ. Nhưng không hiểu vì lý do gì hắn lại nhất định khiêu khích và có thái độ đổ dầu vào lửa như thế ?
Murata cau mặt quay sang nói với Kimura:
- Thằng này điên thực rồi. Để nó đấy cho bọn túc vệ xử trí, ta nên tránh thì hơn.
Nhưng Shoda lắc đầu. Hắn bước ra dưới ánh đuốc, giọng oang oang ra lệnh:
- Tên này dường như chủ mưu đến đây gây loạn. Nếu ta mắc mưu nó để có người mất mạng hay thương tật, tất sẽ bị quở trách. Con Ta-rô tuy quý nhưng không quan trọng bằng một mạng người. Bây giờ khuya rồi, tất cả hãy về nghỉ, chuyện gì cũng để ba chúng ta đối phó !
Nhiều người gật đầu, có người phản đối nhưng Shoda quả thật có uy quyền trong cốc. Hắn trừng mắt. Đám đông lục tục ra về. Vài kẻ còn ngập ngừng chưa chịu đi, Kimura phải đích thân giải tán.
Một lúc sau, trong vườn chỉ còn lại Musashi, Shoda, Murata và Kimura, nhưng đây không phải là khách với chủ mà là tội nhân trước mặt các phán quan.
Đuốc đã mang đi hết. Dưới ánh sao lờ mờ nhìn không rõ mặt người, giọng Shoda nghiêm khắc khác thường:
- Shinmen Miyamoto Musashi ! Ta rất tiếc âm mưu của ngươi đã bại lộ. Ta không rõ ai sai ngươi đến đây, nhưng việc làm ấy thật vô ích ...
Một bóng đen bé nhỏ len lén đến gần Musashi. Không nhìn xuống hắn cũng đoán biết là đồ đệ. Hắn để tay lên vai Jotaro, xoa nhè nhẹ trấn an. Vai áo nó cứng những máu đọng.
- Musashi ! Ngươi thất bại rồi, chỉ còn cách tự xử. Mặc dầu là đứa bất lương, nhưng ngươi đã tỏ ra khá can đảm, dám một mình cùng với thằng nhỏ này đến do thám. Hãy tỏ ra xứng đáng là người cầm kiếm, đừng để chúng ta phải ra tay vô ích !
Đối với Shoda, đó là cách giải quyết êm đẹp nhất. Hắn không được phép của Yagyu cốc chủ mời Musashi đến cốc nên nếu Musashi chết thì câu chuyện coi như xong, không gây hậu quả gì phiền phức.
Musashi cười nhạt:
- Ta chưa muốn chết.
- Hay lắm ! Kimura nói gằn giọng. Chúng ta đã hết lời tử tế với ngươi, nhưng ngươi cố tình lạm dụng lòng tốt ...
Murata nóng nảy:
- Thôi, không nói nhiều. Đi !
- Đi đâu ?
- Vào ngục.
Musashi cười ha hả. Hắn cầm tay Jotaro gật đầu:
- Ừ thì đi !
Nhưng lại xăm xăm bước về phía Đại lâu. Murata nhảy ra ngăn lại:
- Ngươi đi đâu vậy ? Ngục thất ở đằng này !
Musashi khẽ đẩy đồ đệ ra, bảo nhỏ:
- Lại ngồi đằng kia, con.
Jotaro hiểu ngay. Cảnh chiến đấu trên đồng cỏ Hannya buổi chiều hôm nào hiện rõ mồn một trong trí nhớ. Nó vụt đi nhanh như tên bắn.
- Ta không muốn vào ngục.
- Không vào ngục ? Vậy ngươi muốn gì ?
- Gặp Yagyu Muneyoshi !
Câu trả lời của Musashi khiến cả ba đứng sững. Không ai ngờ Musashi liều lĩnh tới mức đó. Shoda là người cao niên nhất cũng phải cau mặt:
- Ngươi gặp cốc chủ làm gì ?
- Ta muốn thỉnh giáo vài thế kiếm.
- Á à ! Sao không nói trước ?
- Muneyoshi không cho ai gặp, lại không bao giờ tiếp khách giang hồ đến xin yết kiến, phải vậy không ?
- Đúng vậy.
- Vậy ta thách các ngươi ! Ta tuyên chiến với cả cốc !
Đối với ba người, Shoda, Murata và Kimura, tiếng tuyên chiến nghe quá lớn và có vẻ kiểu cách, nhưng đối với Musashi, tiếng đó mới chỉ đúng ý muốn của hắn. Vì đây là một trận đấu không phải hơn thua nhau về kỹ thuật của từng thế kiếm mà là một cuộc chiến toàn diện, đem cả sinh mạng mình ra đánh cuộc. Chiến tranh giữa hai quốc gia hay thị tộc có thể khác nhau về hình thức, nhưng trên căn bản cũng không khác.
Trong đêm tối bôn người nhìn nhau không nói, sự cảm thông gần như trọn vẹn.
Một con cú lớn bay ngang qua, tiếng đập cánh nhẹ tựa gió thoảng. Dưới ánh sao thưa, bóng nó thoáng hiện ra rồi lẩn ngay trong những tàn lá rậm.
Murata xắn tay áo:
- Được lắm ! Ngươi muốn chiến tranh sẽ có chiến tranh. Không có tù và, trống trận nhưng ta vui lòng tiếp ngươi. Shoda huynh, Kimura huynh, xin lược trận cho.
Hắn rút kiếm đánh soạt. Kiếm quang vừa lóe, hắn đã nhảy ngay về phía trước, lưỡi kiếm bổ xuống đầu Musashi mạnh như vũ bão. Musashi không né tránh, chỉ trầm mình xuống rút kiếm đỡ ngọn đòn của Murata. Một tiếng choang, ánh lửa thép nhoáng lên như than nổ trong lò, Musashi xoay kiếm quét một đường vòng cung dưới chân Murata nhưng hắn khôn ngoan nhảy lui ra xa một trượng thủ thế.
Hai người đứng cách nhau chừng năm bước, im lặng và quyết liệt. Shoda nói nhỏ với Kimura:
- Có chuyện đấy, không khinh thường được đâu !
Tuy hai người không trực tiếp giao đấu nhưng Shoda và Kimura luôn trong tư thế sẵn sàng. Sau đường kiếm vừa rồi, họ thấy Musashi không phải tay tầm thường, đáng là đối thủ của Murata.
Murata cầm kiếm hai tay ngang tầm ngực, lưỡi kiếm thẳng đứng, toàn thân im như tượng. Musashi đứng nghiêng, im không kém, tay phải giữ kiếm gần lá chắn, cườm tay cao, vai hơi đưa ra đằng trước. Trong đêm tối, mắt hắn đen hơn cả bóng đêm, nhìn địch thủ không chớp.
Chiến tranh cân não giữa hai người kéo dài như vô tận, nhưng bóng tối quanh mình Murata hình như hơi rung. Người tinh ý thấy hắn thở nhanh hơn, nội tâm hắn dường giao động.
Kimura hừ một tiếng khẽ. Câu chuyện ban đầu không đáng gì, bây giờ thành quan trọng. Mũi tên đã bắn đi không lấy lại được nữa. Hắn cũng nghĩ như Shoda, việc này cần giải quyết sớm chừng nào hay chừng nấy, mà cách giải quyết tốt nhất là phát lạc nhanh chóng cho Musashi. Không ai bảo ai, cả hai cùng rút kiếm khỏi vỏ, di chuyển sang tả hữu, vây Musashi vào một gọng kìm.
Ngay lúc đó, một tiếng thét rùng rợn rung động cả đêm sâu, một đường kiếm xẹt nhanh như sao lạc, Musashi đã đổi bộ vị, đứng dựa lưng vào gốc cây lớn với ba đối thủ trước mặt. Thế gọng kìm bị phá vỡ.
Dưới bóng cây tối đen như mực, ánh sao thưa lờ mờ yếu ớt, nhưng từ đó Musashi nhìn ra ngoài, trông rõ mọi cử động của cả ba địch thủ. Bóng Musashi nhập với bóng đêm làm một. Trong cái lúc mà biên giới sống chết chỉ cách nhau một sợi tơ, đầu hắn lạnh như băng nhưng da hắn nóng hừng hực. Sinh lực tràn trề trong cơ thể, từ những thớ thịt đường gân muốn bứt tung qua khắp các lỗ chân lông, trên những ngọn tóc, những đầu móng tay. Không biết đấy có phải là chân như của nhà Phật, lẽ huyền đồng của Đạo gia hay chỉ là sự tương dung của hai thái cực trong quá trình sinh tồn của vật chất ?
Không khí nặng như chì. Không một cơn gió, không cả tiếng côn trùng. Giờ phút ấy, người ta thường nghĩ đến cái chết. Musashi thì không, mặc dầu hắn không nắm chắc phần thắng.
Có tiếng động nhẹ về bên trái. Musashi biết Shoda vừa thay đổi bộ vị. Lập tức hắn cũng di chuyển theo. Thế trận này không có lợi cho hắn nếu không có một biến chuyển gì làm thay đổi cục diện. Mồ hôi lấm tấm trên mặt, hắn liếc mắt nhìn bên phải, chỗ Kimura đứng. Hắn muốn tốc chiến tốc thắng, một đường gươm chớp nhoáng và chính xác có thể phá vòng vây, đồng thời giải quyết cuộc chiến chóng vánh.
Quang cảnh thật kỳ lạ. Dưới ánh sao thưa, bóng ba người lờ mơ đứng đóng đinh xuống đất, quây xung quanh một gốc cây tối đen như mực. Trong cái yên tĩnh ngột ngạt, đột nhiên từ xa vọng lại một âm thanh không ai ngờ tới, âm thanh của cây sáo trúc.
Tiếng sáo nhẹ nhàng thanh thoát rót vào tai mọi người, theo gió đưa đến trong vắt.
Musashi giật mình. Hắn không lầm được, đó là tiếng sáo của Otsu với những âm hưởng mê hồn đã lôi hắn vào tay Takuan. Trong nháy mắt, lòng hắn dịu lại, hắn quên kẻ địch trước mặt, quên cả sống chết, trí lâng lâng như tan loãng vào không gian. Một nháy mắt phân tâm nhưng đủ để định thành bại cả cuộc chiến.
Trong tiếng thét mạnh như sấm động xé tan màn đêm tịch mịch, Murata phóng tới, lưỡi kiếm hắn như dài thêm mấy tấc. Kiếm quang lóe cạnh thái dương, Musashi cảm thấy lạnh ở bả vai, tay áo hắn bị cắt đứt một đường dài đến khuỷu. Bắp thịt toàn thân Musashi co lại, hắn chắc bị thương. Chỗ áo rách phơi thịt trần đã thấy rát. Lòng tự tin không còn nữa, Musashi hét lên một tiếng bi ai, lấy hết sức bình sinh đạp vào gốc cây nhảy qua đầu Murata lên một cành thấp gần đó. Hắn chuyền cành nọ sang cành kia, nhảy mãi nhảy mãi cho đến tận bờ hào Đại lâu mới buông mình rơi xuống, lẩn vào các bụi lau sậy mất dạng.
Xa xa, tiếng sáo vẫn văng vẳng đưa tới càng lúc càng thêm tha thiết ...
[Tiểu thuyết] Miyamoto Musashi - Quyển 2 Chương 18: Tiếng sáo Reviewed by Super Ponja on 3/20/2012 Rating: 5
0 Chém

Chúng ta có thể không nói hết những gì mình nghĩ nhưng hãy nghĩ hết trước những gì mình nói!
Nhận xét sẽ bị xóa nếu có những từ ngữ thiếu văn hóa hoặc có ý xúc phạm quá đáng người khác.
Cảm ơn sự hợp tác của các bạn!

All Rights Reserved by Truyện tranh online - vagabondmanga.com © 2012 - 2016

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.